Mọi hoạt động đối ngoại phải từ lợi ích quốc gia

Sáng 16/12, hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 với chủ đề "Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ngoại giao lần thứ 28. Trí Dũng - TTXVN

 


Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, tình hình thế giới và trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn và phức tạp, nhưng với sự cố gắng nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả và thành tích đáng trân trọng. Công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.

 

Quan hệ song phương và đa phương ngày càng được củng cố, phát triển, dần đi vào chiều sâu, tạo thuận lợi cho nhiệm vụ hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Việt Nam đã thực sự phát huy được vai trò là thành viên tích cực của các thể chế khu vực và toàn cầu, tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình liên kết khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Mới đây, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng thống đốc Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO và lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu cao, cho thấy uy tín quốc tế và lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng tăng. Bên cạnh đó, công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có những chuyển biến rõ rệt.


Phân tích bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đang đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Tổng Bí thư chỉ rõ: Nhiệm vụ hàng đầu của ngành ngoại giao là phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng, chủ động, tích cực vận động, xây dựng và tranh thủ những cơ hội mới để xây dựng và bảo vệ đất nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh 8 nhiệm vụ cụ thể ngành ngoại giao cần tập trung làm tốt trong thời gian tới, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Trong đó, ngành ngoại giao cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


Tổng Bí thư căn dặn: Phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của cha ông “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất. Tổng Bí thư chỉ rõ: Cần kiên trì đường lối đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đưa các mối quan hệ láng giềng thân thiện, hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu thực chất; đồng thời xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp, đưa Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế vào cuộc sống, tích cực và chủ động tham gia các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế, nhằm xác định vị trí tối ưu cho đất nước trong cục diện mới. Cần kiên trì xử lý đúng đắn vấn đề biên giới lãnh thổ, từng bước giải quyết một cách hòa bình các vấn đề tồn tại, nhận thức khác nhau trên Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng DOC và nỗ lực góp phần, thúc đẩy xây dựng COC.


Tổng Bí thư lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, góp phần nâng cao vai trò, uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, kịp thời nắm bắt đúng xu thế phát triển của tình hình, góp phần tạo thế chủ động cho đất nước. Trong hoạt động đối ngoại, cần kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại. Mọi hoạt động đối ngoại đều phải được xem xét trên quan điểm tổng thể, lấy lợi ích cơ bản và lâu dài của quốc gia, dân tộc làm nền tảng; cần tính đến sự tác động qua lại lẫn nhau giữa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, giữa lợi ích quốc gia và đoàn kết quốc tế; giữa đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa Trung ương và địa phương, sao cho hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau.


Đỗ Quyên - Nguyễn Thị Sự

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN