Miền Trung ứng phó với bão số 8

Sáng 17/9, áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 8. Hiện các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Thuận đang khẩn trương triển khai công tác đối phó với bão, nhất là việc kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW - Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 64/CĐ - TW gửi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau và các bộ, ngành chỉ đạo các biện pháp ứng phó với hiện tượng thời tiết nguy hiểm này. Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiểm đếm, thông báo tình hình thời tiết cho tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động di chuyển tránh, trú. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng đang khẩn trương đối phó với cơn bão số 8.

Di chuyển các phương tiện đánh bắt thủy sản lên bờ để tránh bão số 8 tại bờ biển Thọ Quang, TP Đà Nẵng. Trần Lê Lâm - TTXVN


Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đến ngày 17/9, Bộ đội Biên phòng các tỉnh phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 27.420 phương tiện với 135.015 người biết diễn biễn bão để chủ động phòng tránh. Cụ thể: tại khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa có 31 phương tiện với 387 người (Đà Nẵng 26 phương tiện với 301 người ở khu vực tây bắc quần đảo Hoàng Sa đang di chuyển xuống phía tây nam; Quảng Ngãi có 5 phương tiện với 86 người đang tránh trú bão ở khu vực quần đảo Hoàng Sa). Ngoài ra, 27.389 phương tiện khác với 134.628 người đang neo đậu tại các bến khác.


Đề phòng lũ trên các sông, suối


Cũng theo Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, trong những ngày qua, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã có mưa, mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến dưới 150 mm. Vào ngày 15/9, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên đã đạt đỉnh. Mực nước đỉnh lũ trên sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 3,53 m, trên báo động 1 là 0,03 m; trên sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 3,83 m, trên báo động 2 là 0,33 m. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong ngày hôm nay và ngày mai (18 - 19/9), các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Do vậy, trong những ngày tới, từ ngày 18 - 20/9, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ vừa và nhỏ. Các địa phương trong khu vực này cần đề phòng hiện tượng lũ lên nhanh trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất đá, đặc biệt là tại khu vực vùng núi nơi có địa hình dốc.


Còn tại Nam Bộ, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh, biển động. Do đó, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cũng tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 20/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,30 m; tại Châu Đốc ở mức 2,85 m. Trong tuần này, trên sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ.


Huyền Tím

Kiểm tra an toàn các hồ, đập

Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp khẩn bàn các biện pháp đối phó với cơn bão này. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thông tin, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là đối với 11 tàu, thuyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Đối với các tàu, thuyền neo đậu gần bờ cần tổ chức sắp xếp hợp lý, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi bão đổ bộ.

Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần kiểm tra an toàn hồ, đập, nhất là việc vận hành xả nước theo quy định để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du.

Các địa phương rà soát các phương án phòng chống lụt bão, sẵn sàng sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm như vùng thấp, trũng, ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lũ, sạt lở đất, lũ quét.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khoảng sáng 19/9 bão sẽ đi vào khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi. Đến 13 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ vĩ bắc; 108,2 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi - Kon Tum. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình – Bình Định từ gần sáng và ngày 18/9, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Khu vực các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Thanh Tuấn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN