Mái ấm cho trẻ mồ côi

Mái ấm đó là Trung tâm trẻ mồ côi Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội), nơi 55 em nhỏ mồ côi được bốn người "mẹ" và một người "bà" tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng. Không có quan hệ ruột thịt với nhau, nhưng gần 20 năm nay, họ đã sống, đã gắn bó với nhau bằng tình thương. Từ mái ấm này, nhiều thành viên đã trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội.

 

Trung tâm trẻ mồ côi Hà Cầu là một mái ấm cho nhiều trẻ mồ côi.

Nhanh tay đóng từng bao bông tăm vào túi ni lon, Đặng Thị Tuyến ở Trung tâm trẻ mồ côi Hà Cầu (trung tâm) cho biết, đây là việc làm thêm trước giờ đến giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Tuyến cho biết: "Em vào trung tâm từ năm 13 tuổi, vì bố mất sớm, mẹ làm ruộng, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Lên trên này, em được bà Trần Thục Ninh, Giám đốc trung tâm xin cho đi học và giúp đỡ từng miếng ăn, giấc ngủ. Vào đây, em có cảm giác như đang được sống trong một gia đình".


Gắn bó thân thiết với Tuyến là Đặng Thị Thanh. Thanh mồ côi cả cha lẫn mẹ từ bé. Song, thành viên của trung tâm này lại rất nghị lực và xứng đáng là người chị, luôn chia sẻ, chăm sóc các em nhỏ hơn. Mỗi tối, sau khi học bài xong, Thanh, Tuyến cùng các chị lớn khác luôn hỏi han, giúp các em nhỏ hơn giải bài tập... Có lẽ chính nhờ nghị lực sống như vậy mà Thanh quyết tâm học tập thật tốt, hiện em đã là sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Y Hà Nội.


Tuyến và Thanh chỉ là hai trong hàng chục trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đang được trung tâm nuôi dưỡng. Tuy nhiên, các em đều không coi trung tâm như một nơi nuôi dưỡng lúc khó khăn mà mỗi thành viên đều coi nơi đây như một mái ấm thực sự của mình. Bởi thế, các cô vú nuôi được các em gọi là mẹ và xưng là con, còn Giám đốc trung tâm Trần Thục Ninh thì được các em gọi là bà, như người bà đáng kính và gần gũi trong gia đình các em.


Theo bà Trần Thục Ninh, hiện trung tâm có 55 em nhỏ, trong đó có 29 nam và 26 nữ. Các em được chia ra làm 4 nhóm, mỗi nhóm 13-14 em và hoạt động theo mô hình 4 gia đình với 4 cô bảo mẫu (các em gọi là mẹ). Các mẹ làm nhiệm vụ nấu nướng, chăm sóc, quản lý các em theo quy chế. Không chỉ quản lý, các mẹ còn quan tâm gần gũi, nắm bắt tư tưởng tình cảm của các em. Nhờ vậy, các mẹ hiểu các em đang cần gì, suy nghĩ tích cực hay tiêu cực, cảm xúc và tâm sinh lý của các em như thế nào... Nhờ thế, tình cảm giữa bảo mẫu và các em, tình cảm giữa các em với nhau thực sự được gắn kết như các thành viên ruột thịt trong gia đình. “Tôi mong trung tâm có được khoảng không gian rộng hơn để các em có thể tổ chức tăng gia sản xuất giúp các em làm quen với lao động sản xuất, cải thiện đời sống cho từng gia đình", bà Ninh cho biết.


Theo bà Ninh, thành công của trung tâm nhiều năm trở lại đây là sự tuân thủ quy định, thời gian biểu hoạt động cụ thể hàng ngày; là sự quan tâm, chăm sóc tận tình và đầy trách nhiệm của người lớn với các em. Dù quân số của trung tâm khá đông so với mô hình gia đình bình thường song bà và các mẹ luôn cố gắng dành sự quan tâm đến từng thành viên trong gia đình.


Các thành viên nhí của mái ấm Hà Cầu chia sẻ, bà hiểu tính nết, thuộc hoàn cảnh từng em. Mỗi khi các em nhỏ tranh cãi nhau, bà là người đứng ra giải quyết từng việc. Khi các mẹ vắng nhà bà lại đóng vai người mẹ, chăm sóc từng đứa con. Không chỉ quan tâm đến việc ăn, ở của các con, bà còn liên hệ với các sinh viên tình nguyện ở các trường Đại học An ninh, Đại học Y, Đại học Hà Nội... đến dạy kèm cho từng nhóm theo từng khối học, ngành học và cấp học. Nhờ vậy, nhiều em đã thi đỗ được vào các trường đại học.


"16 năm thành lập trung tâm cho đến nay thì có 15 năm tôi làm quản lý. Có lẽ do có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục (trước đây, bà Ninh công tác tại Phòng Giáo dục thị xã Hà Đông cũ - PV) đã khiến tôi có tình cảm đặc biệt với các em nhỏ. Đến nay, đã có hàng chục em đã được nuôi dưỡng từ trung tâm và trưởng thành, có gia đình”, bà Ninh tâm sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN