Lý do nhìn lại quan hệ Nga - Mỹ

Báo Độc lập” (Nga) số ra mới đây có bài bình luận về sự kiện đang được các phương tiện truyền thông thế giới đặc biệt chú ý: Đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 9 tới tại thủ đô Mátxcơva.


 

“Vụ bê bối Snowden” không phải là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga của ông Obama.  Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trước hết, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng “vụ bê bối Snowden” không phải là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định của ông Obama. Bởi nếu hai bên có thể soạn thảo một chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh tại Mátxcơva, vốn đang rất được trông chờ này, thì hai tổng thống có lẽ sẽ vẫn ngồi vào bàn đàm phán, cho phép ký kết những văn bản nhằm tạo ra những bước tiến đáng kể. Rõ ràng, không cần thiết phải thổi phồng vai trò của một “kẻ đào tẩu”.


Thứ hai, mối quan hệ Mỹ-Nga hiện đang ở giai đoạn cực kỳ sa sút, song điều đó cũng không phải là không thể thay đổi. Tuy nhiên, để có thể cải thiện mối quan hệ này thì không thể chỉ dựa vào một vài lời tốt đẹp hay những cử chỉ thân thiện, cũng như vài lời lẽ mang tính ngoại giao về những lợi ích chung trong việc không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố... Hơn thế, để cải thiện mối quan hệ này, Nga và Mỹ cần suy nghĩ thấu đáo vấn đề, tự xác định vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề thế giới, và cần thảo luận một cách trung thực với nhau về những vấn đề đó. Và nếu những cuộc thảo luận này không thể công khai, thì chí ít, nó cũng phải được tiến hành ở diện hẹp mà không có sự hiện diện của báo giới.


Thứ ba, thật là hoang đường khi cho rằng Nga và Mỹ có thể cùng giải quyết các vấn đề quan tâm chung và bảo lưu bất đồng trong những vấn đề khác, đặc biệt khi bên này hoặc bên kia coi trọng một vấn đề nào đó. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi hai nước phải đối mặt với một nguy cơ nào đó đối với sự tồn tại của mình (do phía bên kia tạo ra) thì hai nước đều có chung một tâm lý là phải bảo đảm sự tồn tại của mình, bảo đảm sự ổn định chiến lược, và đồng thời thực hiện kế hoạch địa chính trị trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này bằng cách cố gắng loại trừ thể chế xã hội của nhau. Nhưng đến thời điểm hiện nay, không phải quốc gia nào cũng rơi vào tình huống phải đối mặt với mối đe dọa một mất một còn như vậy. Và bởi vậy cũng không nên tách biệt rạch ròi các vấn đề đồng nhất hay bất đồng quan điểm. Hãy coi mọi vấn đề có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, và hai bên hoàn toàn có thể giải quyết chúng trên cơ sở cân đối hợp lý giữa cái được và cái mất.


Thứ tư, Nga và Mỹ cần phác thảo một hình dung cụ thể về mối quan hệ chiến lược. Hai bên không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng cách đòi hỏi bên này hay bên kia nhượng bộ ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Hơn thế nữa, Nga và Mỹ cần phải lùi lại một chút và cùng đặt ra câu hỏi: thế giới này đang đi về đâu và hậu quả của nó sẽ thế nào nếu thất vọng của bên này lại là niềm hy vọng của bên kia. Cũng cần phải suy nghĩ xem liệu có hay không một thách thức chiến lược đòi hỏi mỗi quốc gia cần phải suy nghĩ lại về mình cũng như nhìn nhận mối quan hệ của mình với các quốc gia khác trong một ánh sáng khác, để có thể cùng nhau tạo dựng cơ sở cho phép các bên hợp tác lâu dài.


Điểm cuối cùng, bài báo cho rằng, để có thể cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, cả hai bên đều cần phải thay đổi. Trong những năm qua, cả Nga và Mỹ đều không tự điều chỉnh hành vi của mình trong mối quan hệ với bên kia. Cũng không nên áp đặt cụ thể bên này hay bên kia phải điều chỉnh, mà đây phải là nỗ lực và thiện chí chung của cả hai bên.


Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN