Lời tri ân của các huyền thoại

Sau khi đã tạo dựng được tên tuổi bằng những chiến tích lừng lẫy, các cựu danh thủ và danh thủ bóng đá thường gặp nhau ở một điểm chung: Nghĩ đến thế hệ tương lai. Điều đó thúc đẩy họ tự tìm kiếm những Pelé, Zidane hay Beckham mới.


Để có thể tìm kiếm được những tài năng bóng đá, con đường ngắn nhất là tập hợp được các cầu thủ “nhí” có năng khiếu, rồi hướng dẫn, đào tạo các em một cách bài bản, trước khi sàng lọc và phát triển tài năng. Chính vì thế, các trung tâm đào tạo trẻ đã và đang nở rộ ở khắp nơi. Các huyền thoại bóng đá cũng ý thức được điều này, nên tham gia rất tích cực vào việc hình thành và phát triển các lò đào tạo trẻ. Đó cũng là sự tri ân của họ đối với bóng đá.
Một trong những người đi đầu trong phong trào mở trung tâm tìm kiếm tài năng trẻ là Eric Cantona. Cựu danh thủ người Pháp vẫn được xem là cú huých cho sự trở lại mạnh mẽ của Manchester United trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua. Tại sân Old Trafford, Cantona được tôn vinh là “King Eric”. Sau khi giải nghệ, để cảm ơn những gì mà Man Utd đã mang lại cho sự nghiệp của mình, năm 2004, Cantona đã mở trường đào tạo mang tên Manchester United tại khu vực Disneyland Resort Paris (Pháp).


“Tôi có mặt ở đây là vì bọn trẻ. Tất nhiên, tôi còn làm điều này vì Manchester United, CLB luôn ngự trị trong trái tim tôi. Tôi muốn tạo cơ hội cho tất cả các em nhỏ, bởi những dấu hiệu tài năng, dù nhỏ nhất cũng có thể tỏa sáng trong tương lai”, Cantona chia sẻ.


Với sự tâm huyết như vậy, Cantona đã nhờ tới những HLV giỏi và có kinh nghiệm trong việc đào tạo trẻ, để họ giúp anh phát hiện và vun đắp các tài năng bóng đá, tạo nguồn cho các CLB, cũng như cho đội tuyển Pháp.


Người tiếp quản chiếc áo số 7 huyền thoại của Cantona tại Man Utd, David Beckham, cũng là một trong số các danh thủ rất quan tâm tới việc phát triển tài năng bóng đá trẻ. Beckham vừa treo giày vào cuối mùa giải vừa qua, nhưng từ năm 2005, anh đã mở một học viện bóng đá mang tên mình tại Đông London (Anh). Nhờ danh tiếng của mình, Beckham đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, cùng anh chung tay xây dựng nên cả một khu thể thao hiện đại, có sức chứa lên tới 26.000 chỗ. Số học viên của Học viện David Beckham hiện lên tới hàng nghìn.


Chưa dừng lại ở đó, Beckham về sau còn mở một trung tâm đào tạo nữa ở Los Angeles (Mỹ), nơi anh đã chơi bóng cho LA Galaxy, trước khi chấm dứt sự nghiệp thi đấu tại Paris Saint-Germain. Đến đầu năm 2008, cựu thủ quân đội tuyển Anh còn táo bạo mở một trường đào tạo tại ngay Brazil, quốc gia giàu truyền thống về bóng đá và vẫn được xem là “nhà xuất khẩu” cầu thủ lớn nhất thế giới.


Tại Brazil, Beckham tất nhiên sẽ phải cạnh tranh với Vua bóng đá Pelé. Năm 2007, Pelé đã mở học viện bóng đá mang tên Campus Pelé, đặt tại bang Sao Paolo. Tại đó, Pelé vừa giữ vai trò quản lý, vừa trực tiếp tham gia đào tạo các học viên “nhí”. Pelé bày tỏ: “Các em nhỏ sẽ được huấn luyện bởi các HLV chuyên nghiệp hàng đầu. Biết đâu, một ngày nào đó, Campus Pelé sẽ cho ra đời những Pelé khác”.


Được biết, Campus Pelé có sự liên kết với CLB Lausanne-Sport của Thụy Sỹ. Những tài năng được phát hiện và đào tạo tại Campus Pelé, đến năm 17 - 18 tuổi sẽ được đưa sang Thụy Sỹ, để sớm có cơ hội gia nhập các CLB hàng đầu châu Âu. Đây là một mô hình hiện đại và cũng mang lại lợi nhuận cao.


Dễ thấy một điểm chung nữa ở các huyền thoại bóng đá là họ luôn chọn quê hương để mở học viện bóng đá. Cho dù hiện sinh sống và làm việc ở đâu, thì họ đều luôn hướng về cội nguồn, muốn làm một điều gì đó cho mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên.


Zinédine Zidane cũng không phải là ngoại lệ. Dù gia đình đã chuyển sang Madrid (Tây Ban Nha) kể từ khi cựu thủ quân đội tuyển Pháp khoác áo Real Madrid năm 2001, nhưng anh vẫn luôn có một tình cảm đặc biệt với thành phố cảng Marseille. Chính tại miền Nam nước Pháp, năm 2010, Zidane đã khánh thành một trung tâm thể thao dành cho các tài năng bóng đá trẻ của vùng đất này.


“Sau những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp, tôi muốn làm một điều gì đó cụ thể, để đóng góp cho bóng đá quê hương”, nhà vô địch World Cup 1998 và Euro 2000, cho biết.


Tương tự như vậy, Kakha Kaladze, cựu cầu thủ của AC Milan và giờ đã trở thành Phó Thủ tướng Georgia, mới đây đã bắt tay với Andriy Shevchenko (cựu thủ quân đội tuyển Ucraina) và ngôi sao đang nổi đình, nổi đám Cristiano Ronaldo, để mở một học viện bóng đá tại Tbilisi. Mục đích của học viện này không chỉ là tìm kiếm tài năng, mà còn hướng các em nhỏ tránh xa con đường binh nghiệp - vốn rất phổ biến tại Georgia.


Về phần Michael Essien, khi hợp tác với Chelsea để mở trường đào tạo tại quê hương Ghana năm 2010, tiền vệ này cũng chỉ mong trẻ em nghèo nơi đây có cơ hội được chơi bóng và hy vọng chúng cũng kiếm sống được từ bóng đá, giống như anh.

 

“Trường dạy bóng đá của Bobby Charlton có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp của tôi, bởi nó giúp tôi có được niềm vui và những bài học đầu tiên với trái bóng. Tôi lớn lên cùng trái bóng và rất hạnh phúc khi mang bóng đá đến cho bọn trẻ”.

David Beckham lý giải việc mở học viện bóng đá mang tên anh tại London.


Bảo An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN