Liệu Tuynidi có tiếp bước Ai Cập?

Tuynidi, nơi bắt nguồn của "Mùa xuân Arập", từng được coi là có quá trình chuyển tiếp dân chủ thành công nhất tại khu vực này. Tuy nhiên, gần đây ở đất nước này bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu khá quan ngại, mà đỉnh điểm là việc nghị sĩ Mohamed Brahmi, một thủ lĩnh đối lập nổi tiếng ở Tuynidi, bị sát hại ngày 25/7/2013.

 

Người dân Tuynidi đổ xuống phố, mang theo ảnh của thủ lĩnh đối lập Brahmi ngày 27/7.

 

Sự việc này có thể sẽ dẫn đến những làn sóng biểu tình rầm rộ khi mà ngày 25/7, một nhóm dân chúng đã bắt đầu chiến dịch nổi dậy Tamarod, giống như chiến dịch Tamarod ở Ai Cập vừa qua. Những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu phản đối và yêu cầu chính phủ do phe Hồi giáo nắm quyền từ chức. Trong khi đó, tại thành phố Sidi Bouzid, nơi khởi phát làn sóng biểu tình lật đổ chính phủ 3 năm trước, hàng nghìn người cũng đã đổ xuống các đường phố tham gia biểu tình.


Theo giới quan sát, có hai đặc điểm khá giống nhau giữa Tuynidi và Ai Cập. Thứ nhất, xã hội Tuynidi gồm hai phe cấu thành là thế tục và Hồi giáo. Những người thế tục Tunisia thậm chí còn lớn tiếng hơn những người anh em của mình tại Ai Cập. Họ bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng vô thần của Pháp. Những người này thường phàn nàn về tình trạng "Hồi giáo hóa" trong các dịch vụ dân sự, đồng thời cho rằng âm mưu lâu dài của đảng Ennahda là biến Tuynidi thành một quốc gia Hồi giáo.


Thứ hai, chính phủ Tuynidi đã thất bại trong việc đáp ứng các yêu cầu khôi phục nền kinh tế sau cuộc cách mạng lần trước. Theo khảo sát mới đây do tổ chức Center’s Global Attitudes Project và tổ chức Minh bạch Quốc tế tiến hành, có tới 78% người Tuynidi không hài lòng với đường hướng phát triển đất nước của chính phủ, 83% cho rằng điều kiện kinh tế của Tuynidi là xấu, và 42% tin tưởng rằng Tuynidi hiện nay còn kém hơn dưới thời độc tài trước đó. Sự bất mãn trong dân chúng Tuynidi ở thời điểm này dường như còn lớn hơn ở Ai Cập nhiều lần. Khoảng 81% dân chúng Tuynidi cho rằng nạn tham nhũng thậm chí còn gia tăng sau cuộc cách mạng, và chính phủ hiện nay đã thất bại trong kiểm soát tình trạng tham nhũng.


Tuy nhiên, vẫn có 3 nhân tố khác nhau quan trọng khi so sánh Tuynidi và Ai Cập.


Thứ nhất, không giống như Phong trào Anh em Hồi giáo (MB), đảng Ennahda không phải là đảng lãnh đạo duy nhất, mà đảng này cầm đầu một liên minh cầm quyền cùng với hai đảng thế tục nhỏ khác. Do đó, Ennahda không phải là chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế yếu kém.


Thứ hai, quá trình xây dựng hiến pháp tại Tuynidi là khá dài, được cả hai phe Hồi giáo và thế tục tại quốc hội tranh luận kỹ càng. Cả hai bên đã đều phải nhượng bộ và chấp nhận thỏa hiệp. Điều này hoàn toàn khác với Ai Cập, nơi mà hiến pháp được viết vội vàng bởi phe Hồi giáo cầm quyền và được thông qua bởi một cuộc trưng cầu dân ý với số người tham dự thấp hơn 33%.


Thứ ba, và có lẽ là yếu tố quan trọng nhất, đó là lực lượng quân đội Tuynidi hoàn toàn khác với quân đội Ai Cập, họ không có lịch sử can thiệp tới chính trị. Như vậy, nhiều khả năng quân đội Tuynidi sẽ không ủng hộ phong trào Tamarod để lật đổ chính quyền cũng như bãi bỏ hiến pháp.


Với các yếu tố kể trên, khả năng thành công của Tamarod tại Tuynidi giống như tại Ai Cập là rất thấp. Mặc dù vậy, mọi thứ vẫn có thể thay đổi nếu quốc hội nước này tiếp tục trì hoãn việc thông qua một hiến pháp mới, không đưa ra lộ trình cụ thể cho bầu cử trong khi chính phủ không được củng cố vững chắc. Những điều này đáng ra đã phải được hoàn thành 9 tháng trước đây, còn đến giờ, người dân Tuynidi đã có những dấu hiệu mất kiên nhẫn.


Lê Hoàng (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN