Lễ hội ánh sáng bên sông Hằng

Diwali (hay còn gọi là lễ hội ánh sáng) là một trong những lễ hội quan trọng nhất hàng năm và là nét văn hóa đặc sắc của người Ấn Độ. Xưa kia Diwali là lễ hội của người theo đạo Hindu, nhưng ngày nay tất cả các đạo giáo ở “đất nước sông Hằng” đều tổ chức ngày lễ này, mặc dù mỗi đạo thưởng thức lễ hội theo một phong cách khác nhau.

 

Lễ hội ánh sáng hàng năm đều diễn ra đúng đêm 30/10 âm lịch, đêm được coi là tối Trăng nhất trong năm. Vào ngày này tất cả các cơ quan nhà nước, trường học, công ty, trung tâm siêu thị, khu chợ, cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa, chỉ có bệnh viện và các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động. Tuy nhiên, cũng như đêm 30 rạng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán ở Việt Nam, vào đêm Diwali, người dân Ấn Độ hiếm khi ra đường nếu không có việc cần thiết nên các phương tiện giao thông công cộng như tàu hỏa và tàu điện ngầm tiết giảm thời lượng dịch vụ.

 

Khoảng một tuần trước đêm Diwali, đâu đâu cũng tràn ngập ánh đèn lung linh đủ màu sắc.


Diwali chỉ diễn ra trong một ngày, song người dân Ấn Độ mất cả tháng để chuẩn bị. Họ tất bật tiến hành công việc sơn sửa, trang trí nhà cửa để đón lễ hội Diwali. Trên sân thượng, xung quanh tường nhà, lan can, cổng chính, vườn cây, chậu cây cảnh của những ngôi nhà vừa khoác màu áo sơn mới được trang trí những chùm đèn nhiều màu sắc, để tất cả các ngõ ngách của thành phố, khu chung cư đều sáng bừng lên trong đêm lễ hội ánh sáng.


Người Ấn Độ chuẩn bị Diwali cũng giống như người Việt Nam chuẩn bị Tết Nguyên đán. Nhu cầu mua sắm vào dịp này tăng đột biến. Ngoài những nhu cầu về đồ trang trí nhà cửa như nội thất mới, cây cảnh, đèn màu, những chuỗi dây xúc xích kết hoa bằng giấy hoặc bằng nhựa, còn có hai thứ không thể thiếu trong ngày hội Diwali là nến và pháo hoa.


Khoảng một tuần trước đêm Diwali, tất cả các siêu thị, cửa hàng, đường phố, khu chung cư, thậm chí cả cây cối trong công viên, khuôn viên… đâu đâu cũng tràn ngập ánh đèn lung linh đủ màu sắc, và những tràng pháo hoa râm ran càng làm rộn ràng không khí Tết. Tuy nhiên, người dân Ấn Độ đua nhau bắn pháo hoa dồn dập trong khoảng hai giờ, khoảng từ 10 giờ đến 12 giờ đêm Diwali. Ở thời khắc này, mọi người được tự do bắn pháo hoa tùy theo khả năng tài chính của mình, song từ sáng hôm sau không ai được phép bắn pháo hoa nữa, và phải chờ cho đến lễ hội Diwali năm sau.


Theo quan niệm truyền thống, vào đêm Diwali, người dân Ấn Độ thường đổ dầu vào những chiếc đèn làm bằng đất sét để thắp sáng và để như vậy suốt đêm nhằm đón nữ Thần Laskhmi - vị thần tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng, may mắn và là hiện thân của cái đẹp. Nhưng ngày nay, ngoài nến, phần lớn các gia đình đều dùng những chuỗi dây đèn màu nhấp nháy bằng điện treo khắp xung quanh nhà để thay thế những chiếc đèn dầu bằng đất sét như vậy. Còn việc bắn pháo hoa được quan niệm để xua đuổi linh hồn của quỷ. Trong đêm Diwali, mọi người đều mặc áo mới, mời nhau ăn kẹo bánh và đồ ăn nhẹ cùng với các thành viên gia đình và bạn bè.


Trong không khí se lạnh của những ngày đầu Đông, với mùi thơm nồng nàn của hoa sữa, ngắm cảnh tượng người tấp nấp đi mua sắm, bận rộn trang trí nhà cửa, từng đoàn người đi chúc Tết… lòng ai cũng nao nao. Tiếng chúc “Happy Diwali” rộn rã khắp nơi, gợi lên một tình cảm thân thiết, yêu thương và đầm ấm. Diwali năm nay kết thúc, mọi người lại lao vào guồng máy bận rộn của công việc và cuộc sống thường nhật để chờ đón Diwali của năm sau, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trên “đất nước sông Hằng”.


Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN