Làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh đón Tết Giáp Ngọ

Về xã vùng ven Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, vào dịp này, người ta có thể chứng kiến bầu không khí nhộn nhịp của làng nghề bánh tráng phục vụ Tết Giáp Ngọ.

 

Làng nghề này nổi tiếng với 2 loại bánh mặn và bánh ngọt, tiêu thụ khắp các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, loại bánh ngọt thường được Việt kiều về quê ăn Tết đặt mua với số lượng lớn để mang ra nước ngoài làm quà tặng.


Theo các cụ lớn tuổi ở địa phương, làng nghề làm bánh tráng Mỹ Khánh đã hình thành trên 50 năm và được nhiều người biết đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang công nhận “Làng nghề” từ năm 2007. Đây là một trong số 26 làng nghề truyền thống trong toàn tỉnh được UBND tỉnh An Giang công nhận.


Mặc dù có lúc thăng trầm nhưng nhiều hộ gia đình vẫn bám trụ duy trì hoạt động liên tục và còn nhờ vào uy tín và chất lượng của sản phẩm. Dù không có nhiều chủng loại hay kích cỡ nhưng nhờ vào bàn tay khéo léo của người thợ pha chế bột, tráng thành những chiếc bánh tròn, mỏng, có độ dai khi sử dụng.


Để làm ra những chiếc bánh ngon, bắt mắt, không hao hụt, người thợ phải có bí quyết pha chế, chọn lọc bột chất lượng, có thao tác nhanh khéo léo, tráng bánh thật mỏng, tròn đều và nhanh tay lấy ra khi bánh chín không để bị rách...


Chị Lê Thanh Thủy, quê ở Đồng Tháp, lập gia đình về Mỹ Khánh, cho biết chị đã tiếp nối nghề làm bánh tráng của gia đình bên chồng, làm nghề từ hơn 15 năm qua. Hiện nay, làng nghề Mỹ Khánh còn trên 20 gia đình làm nghề, giải quyết gần 100 lao động tại địa phương.


Ưu điểm của làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh là mặc dù không giàu nhưng người lao động có được việc làm quanh năm. Nổi tiếng nhất là bánh tráng ngọt bổ sung nước cốt dừa béo ngậy và rắc đầy mè vàng đã rang chín, làm cho chiếc bánh dẻo, thơm ngon, hiện đang vào mùa đón Tết Giáp Ngọ 2014 tiêu thụ mạnh nhất, gấp đôi gấp ba lần tháng bình thường.


Bánh tráng Mỹ Khánh chỉ có hai chủng loại: bánh tráng mặn dùng để chế biến cho bữa ăn hàng ngày như cuốn gỏi, cuốn với bì hay tôm, thịt hoặc làm chả giò chiên lên thơm, giòn.... Nổi tiếng nhất là bánh tráng ngọt bổ sung nước cốt dừa béo ngậy và rắc đầy mè vàng đã rang chín, làm cho chiếc bánh dẻo, thơm ngon được tiêu thụ mạnh nhất là vào 2 tháng trước, trong Tết tiêu dùng nội địa và kéo dài một tháng sau Tết Việt Kiều đặt hàng mang ra nước ngoài làm quà biếu người thân, bạn bè.


Chị Nguyễn Ngọc Điệp, người có bề dầy làm nghề trên 20 năm từ truyền thống gia đình, cho biết nghề làm bánh tráng chỉ cần 2 - 3 lao động/hộ làm công việc tráng, phơi, xếp bánh. Với công việc đơn giản, dễ làm, nhẹ nhàng, giải quyết được việc làm cho trẻ em hay người lớn tuổi đều làm được.


Theo chị Điệp, hiện nay, bánh có giá bán là 10.000 đồng/chục bánh tráng ngọt và 15.000 đồng/chục bánh tráng mặn. Bình quân mỗi ngày gia đình chị làm ra khoảng 1.000 - 1.500 chiếc bánh, trừ chi phí lợi nhuận trên 50.000 - 100.000 đồng. Với mức thu nhập này người làm nghề cũng giải quyết tốt cho sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên do dụng cụ làm nghề như: ống tre gỡ bánh, vỉ phơi bánh có nhiều kích cỡ theo nhu cầu khách hàng, chỉ sử dụng được 2 đến 3 tháng phải thay mới nên vẫn còn khó khăn về nguồn vốn.


Vương Thoại Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN