Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Thông qua ba luật và ba nghị quyết

Ngày 20/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo tiếp thu giải trình và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; Nghị quyết về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; Luật Hòa giải cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật Đấu thấu (sửa đổi).

 

Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011


Đầu phiên làm việc buổi sáng, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.

 

Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng). Ảnh: Nhan Sáng– TTXVN

 

Theo đó: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 962.982 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.034.244 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012. Bội chi ngân sách nhà nước là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư của ngân sách địa phương.

 

Giám sát chuyên đề việc thực hiện tái cơ cấu


Với 92,57% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.


Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Quốc hội tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ, trưởng ngành về hoạt động chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách và việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012.


Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Quốc hội cũng tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ, trưởng ngành về hoạt động chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách và giám sát chuyên đề việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015.

 

Tạo cơ sở pháp lý cho vấn đề người di cư tự do


Nhìn nhận việc ký kết thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào sẽ tạo cơ sở pháp lý cho giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước do lịch sử để lại, ngăn chặn tình trạng tái di cư, di cư mới, tạo điều kiện cho việc quản lý biên giới, đảm bảo an ninh quốc phòng giữa hai nước, 92,37% đại biểu đã tán thành thông qua Nghị quyết về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào.

 

Hòa giải tôn trọng sự tự nguyện của các bên


Luật Hòa giải ở cơ sở với 5 chương, 33 điều đã được 90,36% đại biểu nhấn nút thông qua. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.


Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở là phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở; bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư.

 

Giảm tải về dân cư ở khu vực nội thành


Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, nhất là ở khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú quy định công dân có chỗ ở hợp pháp, trong trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên; trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô.


Luật đã được 88,96% đại biểu biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014.

 

Tạo thuận lợi thu hút đầu tư


Có hiệu lực thi hành ngay từ 1/8 năm nay, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp đã nhận được sự đồng tình của 83,13% đại biểu.
Theo quy định của luật, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006 đã hết thời hạn hoạt động theo quy định tại Giấy phép đầu tư sau ngày 1/7/2006, chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp và có đề nghị được tiếp tục hoạt động phải đăng ký lại trước ngày 1/2/2014 theo các điều kiện do Chính phủ quy định. Trong trường hợp này, việc đăng ký lại có hiệu lực kể từ ngày hết hạn hoạt động ghi trên Giấy phép đầu tư.


Doanh nghiệp cũng có thể không đăng ký lại và trong trường hợp này, doanh nghiệp tổ chức quản lý, hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp.

 

Sẽ đấu thầu qua mạng


Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu hiện hành.


Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng, dự án luật đã bổ sung quy định về đấu thầu qua mạng. Qua thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu tán thành với quy định mới này, góp phần minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu, đồng thời thực hiện đầy đủ cam kết với cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả của hoạt động đấu thầu.


Đánh giá đây là một quy định mới, nhiều tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nội dung này không được quy định cụ thể. Để hoạt động đấu thầu qua mạng khả thi, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa các bên tham gia; ngoài việc các bên tham gia phải đóng tiền bảo đảm, bảo lãnh được quy định, hoàn chỉnh các văn bản kèm theo hồ sơ thì người có thẩm quyền, nhà đầu tư cần biết rõ tư cách cá nhân của người có chữ ký.

 

TTN

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang): Đấu thầu thuốc nên có luật riêng và có cơ chế kiểm soát
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang): Đấu thầu thuốc nên có luật riêng và có cơ chế kiểm soát

Liên quan đến nội dung của Luật Đấu thầu (sửa đổi), tôi và một số đại biểu đề nghị nên tách riêng một số dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng đến dân sinh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế là đấu thầu thuốc và thiết bị y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN