Khuyến khích người dân tố cáo vi phạm về môi trường

Sáng 19/9, tiếp tục Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: việc sửa đổi nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước...


Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung và cụ thể hơn những quy định liên quan đến quyền hạn, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường. Quy định của dự thảo luật phải phát huy nội lực của nhân dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm môi trường.


Có ý kiến cho rằng thực tiễn thời gian qua có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư, nhưng sau khi đánh giá tác động môi trường, có những tác động xấu buộc phải điều chỉnh, thậm chí phải đình chỉ dự án gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, việc quy định 2 bước đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án lớn có tác động xấu đến môi trường phải do Thủ tướng Chính phủ quy định là cần thiết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc quy định 2 bước đánh giá tác động môi trường sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Đánh giá tác động môi trường sơ bộ có thể gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, nảy sinh xung đột với một số quy định của các luật khác như Luật Đầu tư. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định này để đảm bảo thực sự không phát sinh các thủ tục hành chính rườm rà và khắc phục được việc gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.


Kỷ luật người đứng đầu đơn vị để xảy ra lãng phí

Chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013 và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).


Theo báo cáo của Chính phủ, để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và mục tiêu tổng quát của năm 2014, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Chính phủ sẽ công bố công khai đối với những cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có hình thức kiểm điểm, kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.


Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và nhận định, công tác này đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy vậy, tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau. Qua thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2013, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.


Khiếu Tư - Phúc Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN