Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài cuối

Không độc canh cây lúa

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, tái cơ cấu ngành trồng trọt sẽ được triển khai theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền. Trong đó, điểm đáng lưu ý là 3,8 triệu ha đất trồng lúa sẽ được sử dụng linh hoạt.

 

Sử dụng linh hoạt đất lúa


Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), cho biết, trước mắt Bộ sẽ chuyển khoảng 200.000 ha lúa vụ thu đông ở ĐBSCL và vụ mùa ở miền Bắc sang trồng các loại cây trồng khác như ngô, đỗ, đậu tương.


Mô hình trồng dưa chuột bao tử tại thôn Bắc Đông, xã Gia Cát (huyện Lộc Bình) cho lãi cao gấp 10 lần trồng lúa. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

 

Chủ trương chuyển đổi này là đúng đắn song thực tế vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn. Trao đổi với phóng viên Tin Tức, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Dương Quốc Xuân cho biết, hệ thống thủy lợi nội đồng vùng ĐBSCL từ xưa tới nay vốn chỉ phục vụ cho cây lúa; giờ chuyển sang các loại cây trồng khác thì hệ thống thủy lợi này cũng phải có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu tưới tiêu của những cây trồng mới. Tiếp nữa, hầu hết người dân trong vùng chỉ có kinh nghiệm trồng lúa, nay trồng những cây trồng khác chắc chắn họ sẽ gặp ít nhiều khó khăn.


Ông Bùi Xuân Trình, đại diện Văn phòng Chính phủ nhất trí với chủ trương trên song vẫn lo ngại: Nếu không trồng lúa thì nông dân sẽ trồng cây gì; địa phương nào sẽ chuyển đất lúa sang để trồng ngô? Thị trường hiện đang có nhu cầu về ngô nhưng chi phí trồng ngô lại cao. Hơn nữa, khi địa phương quy hoạch đất trồng ngô rồi thì phải có kế hoạch mua sắm máy sấy ngô vì nếu trồng ngô mà không có máy sấy thì không bảo đảm được chất lượng sản phẩm. Theo ông Trình, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô cần được làm ở những địa bàn thuận lợi về vận chuyển, đi lại.


Tuy nhiên, theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, việc chuyển đổi này không làm ồ ạt mà chỉ thực hiện đối với diện tích trồng lúa không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp; và phải căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, thủy lợi và kinh nghiệm canh tác của người nông dân các địa phương.


Giải bài toán cơ cấu giống lúa


Muốn phát triển ngành lúa gạo, không còn cách nào khác là phải dựa vào khoa học công nghệ. Do vậy, các viện nghiên cứu về giống phải đưa ra được giống mới, hiệu quả, bền vững cho nông dân”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát

Riêng về cơ cấu giống lúa, định hướng của ngành nông nghiệp là tăng cường giống lúa có chất lượng cao và hạn chế sử dụng giống lúa phẩm cấp thấp (chủ yếu là IR50404 - dễ tính, năng suất cao nhưng chất lượng gạo thấp).


Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đây sẽ là vấn đề khó khăn của ngành nông nghiệp. Bộ trưởng chia sẻ: Câu chuyện tìm giống lúa thay thế giống IR50404 đã được đề cập đến từ năm 1995, khi ông về Bộ, thế nhưng cho đến năm 2013, tức là đã 18 năm trôi qua, câu chuyện về giống lúa IR50404 vẫn còn nóng. Bởi thực tế, các viện nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được giống lúa thay thế giống lúa IR50404. Bộ trưởng cũng đã giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu khẩn trương tìm giống lúa có thể thay thế giống lúa này để giúp bà con nông dân nâng cao giá trị hạt gạo.


Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tin Tức, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: “Nếu chỉ yêu cầu giảm tỉ lệ giống lúa IR50404 mà không lo thị trường tiêu thụ thì nông dân sẽ không nghe theo. Việc thay đổi giống lúa là cần thiết nhưng chỉ mới tác động đến một khâu sản xuất, không giải quyết tận gốc vấn đề. Điều cần thay đổi ở đây là hệ thống thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu để đảm bảo lợi ích trực tiếp đến với người nông dân”.


Do đó, trong đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai theo hướng tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

 

Các địa phương trong cả nước sẽ duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sản lượng lúa đạt trên 45 triệu tấn vào năm 2020; tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo; tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng ngô để đạt sản lượng trên 8,5 triệu tấn nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu.

(Nguồn: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN&PTNT)


Huyền Tím

Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 3
Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 3

Một trong những định hướng lớn trong tái cơ cấu ngành thủy sản là sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực, đa dạng các đối tượng nuôi, đầu tư ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN