Khai mạc Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 20/2, Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.


Giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu


Sáng 20/2, trong buổi làm việc đầu tiên của Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.
Ảnh: Nhan sáng - TTXVN

 

Nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn, cho rằng dự thảo luật quy định rất nhiều vấn đề liên quan đến các luật chuyên ngành khác như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư, các luật về thuế... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra tiến hành rà soát tổng thể dự án luật để tránh chồng chéo, trùng lắp đối với các hệ thống pháp luật.


Một vấn đề khác được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chi tiết, giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện nhập phế liệu để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cần xem xét lại việc cho phép nhập phế liệu, vì việc này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, tránh để Việt Nam biến thành bãi rác thải của thế giới. Trong trường hợp nếu vẫn tiếp tục cho phép thì cần quy định cụ thể, chi tiết. Mặc dù tán thành với quan điểm cho phép nhập khẩu phế liệu nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ đảm bảo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.


Xu thế xã hội hóa công chứng


Chiều 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc cử thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.


Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên vẫn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giao lại cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ - CP để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính. Loại ý kiến thứ hai không tán thành giao cho công chứng viên thực hiện các công việc mang tính chất chứng thực vì hoạt động công chứng ở nước ta đang được phát triển theo hướng công chứng về nội dung, phân biệt với các hoạt động chứng thực chỉ là xác nhận về mặt hình thức, đồng thời trùng lắp với nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.


Vấn đề này Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng lâu dài việc tách bạch, chuyên môn hóa hoạt động công chứng là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, việc giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính nhà nước đang làm hiện nay sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này, đồng thời cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia làm thành viên.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng việc quyết định giao cho công chứng viên thực hiện một phần việc mà UBND đang làm không có nghĩa là UBND thôi không làm nhiệm vụ đó nữa mà việc này UBND vẫn tiếp tục làm, tức là song song tồn tại. Quan điểm của ông Hiện nếu cả Nhà nước và tổ chức xã hội hóa cùng làm tốt việc này thì nên giao cho xã hội hóa làm. Ông nhấn mạnh đây là xu hướng chung của thế giới đang làm.


Quang Vũ - Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN