Kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn

Đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn của người dân, những năm gần đây, diện tích trồng rau an toàn trên cả nước liên tục tăng lên. Tuy nhiên, việc sản xuất rau an toàn lại đang gặp nhiều trở ngại có tính hệ thống từ sản xuất đến tiêu dùng.

 

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2012 diện tích trồng rau của cả nước đạt khoảng 823.728 ha (tăng 103,7% so với năm 2011), trong đó diện tích rau an toàn chỉ đạt khoảng 16.700 ha. Hiện việc mở rộng diện tích trồng rau an toàn còn gặp khó khăn do chưa có sự gắn kết tốt giữa sản xuất và tiêu thụ.


 

Người nông dân “kém” mặn mà với các mô hình sản xuất rau an toàn do chi phí cao, đầu ra khó.

 

Ông Đào Ngọc Chính - chuyên viên Phòng cây lương thực - cây thực phẩm - Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết, hạn chế lớn nhất trong việc sản xuất rau an toàn là diện tích sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, giống rau sản xuất chủ yếu là giống F1 nhập nội, công tác quy hoạch sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Đặc biệt, nhận thức, ý thức trách nhiệm của số đông người sản xuất về rau an toàn còn chưa cao nên tình trạng rau còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sinh vật gây hại còn khá cao. Bên cạnh đó, một số địa phương đã xây dựng, phê duyệt đề án, kế hoạch phát triển sản xuất rau an toàn nhưng lại không có kinh phí để triển khai. Do đó, công tác quy hoạch, xác định các vùng trồng rau an toàn đủ điều kiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.


TP Hồ Chí Minh là một trong những nơi tiêu thụ rau lớn nhất cả nước, ước tính tiêu thụ 1.500 -1.600 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc sản xuất rau tại chỗ của thành phố chỉ đáp ứng được 25 - 30% nhu cầu, số còn lại nhập từ các tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây. Theo ông Lê Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, diện tích đủ điều kiện sản xuất rau an toàn của thành phố là 3.464 ha, với diện tích gieo trồng rau an toàn là 14.167 ha. Tuy nhiên, diện tích canh tác rau an toàn của thành phố rất manh mún gây khó khăn trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu áp dụng VietGap, nhất là về tiêu chí đầu tư kho chứa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhà vệ sinh…


Trong khi đó, ông HoàngTrung Kiên, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Kiên Giang, cho biết do diện tích sản xuất rau an toàn còn manh mún nên rất khó để cấp giấy chứng nhận rau an toàn. Đồng thời, trên cùng một mảnh vườn, việc người sản xuất thường trồng nhiều loại rau đã gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra đánh giá và chứng nhận. Ngoài ra, các hộ trồng rau đa phần thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý nên khó khăn trong việc nắm bắt và tuân thủ các yêu cầu sản xuất theo quy trình an toàn VietGap. Hiện, diện tích sản xuất rau, củ quả toàn tỉnh Kiên Giang đạt gần 2.500 ha. Trong đó, diện tích được quy hoạch cho sản xuất rau an toàn còn khá khiêm tốn, chưa đầy 200 ha.



Loay hoay tìm đầu ra


Hiện nay, nhu cầu về rau an toàn ngày càng tăng. Thế nhưng, trong khi các vùng chuyên canh rau an toàn đang loay hoay với bài toán tìm đầu ra thì đại đa số người tiêu dùng lại khó tiếp cận được với rau đảm bảo chất lượng.


Theo TS.Nguyễn Công Thành, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đa số rau an toàn chưa có lôgô hay nhãn mác để chứng minh cho khách hàng sản phẩm của mình sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn. Do đó, nhiều khi rau an toàn phải bán với giá như rau thường. Ngược lại, người tiêu thụ vẫn chưa tin vào sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, vì vẫn thiếu dấu hiệu để nhận biết sản phẩm rau an toàn giống và khác gì với sản phẩm khác trên thị trường. Thực trạng này khiến nỗ lực đẩy mạnh phát triển rau an toàn phục vụ người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn.


Nhiều ý kiến cho rằng, hiện việc tiêu thụ rau an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi các nhà sản xuất rau an toàn vẫn chưa gắn kết được giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ; đặc biệt là người tiêu thụ vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng của rau an toàn.


“Hệ thống thu mua sản phẩm rau an toàn mặc dù đã có sự liên kết thu mua của hệ thống siêu thị, cửa hàng nhưng mối liên hệ này còn lỏng lẻo, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, hệ thống rau an toàn chủ yếu tập trung ở những siêu thị lớn, người thu nhập thấp khó tiếp cận được” - ông Lê Minh Dũng nhìn nhận.


Một nguyên nhân khác cũng khiến rau an toàn gặp khó khăn về đầu ra là các sản phẩm rau an toàn nhìn bề ngoài không bắt mắt bằng rau thường nên khó tiêu thụ hơn. Trong khi đó, chi phí để sản xuất rau an toàn đắt hơn so với các loại rau khác nên người dân cũng không mặn mà với mô hình trồng rau an toàn.


Theo ông Nguyễn Công Thành để các sản phẩm rau an toàn thực sự có chỗ đứng và người nông dân hào hứng trong việc trồng rau theo các mô hình, chương trình rau an toàn, thì cần phải có giải pháp đồng bộ từ khâu trồng trọt đến khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần tổ chức rau an toàn theo chuỗi, gắn kết trách nhiệm của người sản xuất và tiêu thụ, quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, đảm bảo đủ sản lượng rau cung cấp cho nhu cầu của thị trường…


“Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ cho việc phát triển, sản xuất rau an toàn như tập trung triển khai quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu mở rộng đẩy mạnh các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, cung cấp kịp thời về thông tin thị trường tiêu thụ cho người sản xuất rau an toàn, xây dựng thương hiệu rau an toàn”, ông Lê Minh Dũng nói.


Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN