Học sinh nội trú vùng cao thiếu nước sinh hoạt

Nước là nhu cầu quan trọng, không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng nhu cầu ấy dường như đã bị lãng quên khi xây dựng trường trung học cơ sở Quảng Lâm, thuộc xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Dù đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm, nhưng trường trung học cơ sở Quảng Lâm vẫn chưa có nước sinh hoạt cho học sinh và giáo viên. Hàng ngày, giữa cái nắng thiêu đốt của mùa hè, hàng trăm em học sinh vẫn phải xách can, xô, vượt gần 2 km xuống khe suối lấy nước sinh hoạt.



Triền miên thiếu nước


Trường trung học cơ sở Quảng Lâm được xây dựng vào năm 2008, theo vốn Dự án Giáo dục trung học cơ sở vùng khó và Dự án Kiên cố hóa lớp học do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Trường được xây dựng trên một bãi đất ở đồi gần như cao nhất trên tuyến đường chính từ xã Mường Toong tới xã Quảng Lâm, cách UBND xã Quảng Lâm khoảng 2 km. Xung quanh trường chỉ là núi đồi, dân cư thưa thớt, rải rác một vài hộ gia đình dân tộc Mông sinh sống.


 

Gian nan mang nước về trường.

 

Trường trung học cơ sở Quảng Lâm có khuôn viên khá rộng rãi, khoảng 10.000 m2, bao gồm 1 nhà 3 tầng là phòng giám hiệu nhà trường và phòng học cho học sinh, 1 dãy nhà nội trú cho giáo viên, 1 dãy nhà nội trú cho học sinh. Sau mỗi dãy nhà đều xây dựng nhà vệ sinh, trên nóc mỗi nhà vệ sinh đều được trang bị 1 đến 2 bồn inốc, đường ống dẫn nước. Tuy nhiên từ khi trường đi vào hoạt động đến nay, những nhà vệ sinh ở đây chưa bao giờ được sử dụng với đúng nghĩa của nó mà thực ra chỉ là để làm... nhà kho. Một số đường ống nhựa dẫn nước đã bị hỏng hóc, nằm trơ trước những cái bể khô khốc vì lâu ngày không có mưa.


Với một trường học ở đồng bằng, thiếu nước đã là vấn đề nghiêm trọng, nhưng đối với một trường học ở miền núi xa xôi có hàng trăm học sinh, giáo viên nội trú thì nước còn là cả một vấn đề sống còn. Hiện tại trường có 6 giáo viên và 167 học sinh ở nội trú, cuộc sống của những thầy trò nội trú nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Những thầy cô cứ sáng sớm đã phải chạy xe máy đến nhà các đồng nghiệp ở gần trung tâm xã chở nước về dùng. Còn những em học sinh thì vất vả hơn nhiều vì không có phương tiện. Mỗi ngày 3 đến 4 lần, chủ yếu là vào sáng sớm, buổi trưa và chiều tối, các em học sinh lại đi bộ tay xách xô hoặc can nước 3 lít, 5 lít, những em lớp 8, lớp 9 thì hai tay xách hai can 5 lít xuống khe suối cách trường khoảng gần 2 km để lấy nước. Lấy nước xong, các em lại hành trình leo núi trở về trường, nấu cơm, đun nước uống để tiếp tục học tập.
Cầm trên tay hai cái can rỗng chuẩn bị đi lấy nước, em Lò Thị Hằng, học sinh lớp 7A3 nói: “Mỗi ngày em đi lấy nước hai lần, buổi tối em lấy nước cho sáng ngày mai và buổi trưa thì em lấy nước dùng cho buổi tối. Bọn em thường rủ nhau đi theo nhóm, vừa đi vừa nói chuyện cho đỡ mệt chứ đi một mình thì vất vả lắm”.


Em Giàng A Lứ, học sinh lớp 7A1 vừa thở hổn hển vừa nói: “Mỗi ngày em đi xách nước 3 lần vào sáng sớm, trưa và buổi chiều tối. Có bạn xách được một lần 2 xô nên ngày chỉ đi có 2 lần, em chỉ xách được 1 xô nên phải đi xách 3 lần mới đủ nước nấu cơm và nấu nước uống. Chỗ lấy nước xa nên chúng em phải tranh thủ những lúc không học để đi xách nước. Nắng như thế này, mệt lắm nhưng không có nước thì không nấu được cơm mà ăn”.



Chưa thể dẫn nước lên trường học


Theo thầy Trần Hoàng, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Quảng Lâm: “Từ khi trường đi vào hoạt động đến nay, nhiều đoàn khảo sát đã đến tìm hiểu nhưng vẫn chưa thể dẫn được nước sạch lên trường vì vị trí trường ở quá cao. Có đoàn khảo sát đã cho đường nước kéo về tận trường nhưng chỉ vài ngày là đường ống bị vỡ vì không chịu được áp suất đẩy lên. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên huyện để nhanh chóng đưa được nước về trường nhưng đến nay vẫn chưa khả thi vì chưa tìm ra nguồn nước”.


Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Kiên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Khi có dự án xây dựng trường trung học cơ sở Quảng Lâm, lãnh đạo huyện và Phòng Giáo dục huyện Mường Nhé đã đi khảo sát nhưng không có mặt bằng để xây dựng trường. Qua khảo sát một thời gian thì chỉ có chỗ đất bằng phẳng ở đồi cao mà bây giờ xây trường đó là có thể xây dựng được nên đã chọn để xây trường trung học cơ sở Quảng Lâm.


Theo các đoàn khảo sát, để đưa được nguồn nước lên trường trung học cơ sở Quảng Lâm cần phải khoan và xây dựng hệ thống chứa nước ở một đỉnh đồi cao hơn, đặt máy bơm ở đấy và dẫn đường ống qua trường chứ không thể đưa được nước từ nơi thấp hơn lên đây được. Nhưng để làm được như vậy thì kinh phí thực hiện là rất lớn, khoảng gần 3 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn hỗ trợ của dự án 135 cho việc này chỉ là 1 tỷ đồng, bởi vậy việc đưa nước lên trường vẫn chưa thể thực hiện được. Gần đây, Phòng cũng đã cho các đoàn đến khảo sát nguồn nước xung quanh trường nhưng vẫn chưa có kết quả.


Thầy Hoàng cho biết, nhiều em học sinh đã phải bỏ học vì khó khăn quá trong sinh hoạt do thiếu nước. Nhìn cảnh hàng chục em học sinh, hàng ngày vẫn tay xô tay nhậu, chân trần đi hàng cây số để lấy nước, những bậc phụ huynh và thầy cô thấy đắng lòng. Các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp đưa nguồn nước lên trường THCS Quảng Lâm, để thầy trò nơi đây yên tâm gắn bó với công tác dạy và học.


Bài và ảnh: Xuân Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN