Gian nan chống buôn lậu cuối năm - Bài cuối: Cần những giải pháp căn cơ

Với đặc thù đường biên giới trên bộ dài, hiểm trở, lực lượng chức năng dù có tung toàn bộ quân số cũng không thể kiểm soát được hết hàng hóa nhập lậu qua các con đường không chính ngạch. Bởi thế, giải pháp căn cơ là phải tăng cường năng lực sản xuất trong nước để cạnh tranh với hàng lậu, đồng thời có những chính sách nâng cao đời sống người dân vùng biên.


Nâng sức cạnh tranh cho hàng nội


Theo ghi nhận của ngành Công Thương, ở tuyến biên giới phía Bắc, hàng nhập lậu chủ yếu là phụ tùng ô tô, xe máy, điện thoại di động, vật liệu xây dựng, vải, quần áo may sẵn, thậm chí có cả các mặt hàng cấm như pháo, đồ chơi bạo lực nguy hiểm, vũ khí thô sơ... qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang.

 

Hàng cấm bị thu giữ tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) hồi tháng 12/2013.Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Trong khi đó, tuyến biên giới với Lào, hàng lậu chủ yếu là đồ điện gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá, rượu ngoại, nước giải khát, mì chính, kim loại quý... Hoạt động buôn lậu ở biên giới Tây Nam thì chủ yếu gồm các mặt hàng điện tử, điện lạnh, thuốc lá, đường, rượu ngoại, nước giải khát...


Có thể thấy, đa phần những mặt hàng bị nhập lập qua biên giới như trên đều là những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống. Các chuyên gia đánh giá, sở dĩ hàng lậu tràn ngập thị trường một phần là do sức cạnh tranh của hàng trong nước còn yếu, trong khi đó mặt hàng nhập lậu có mẫu mã đa dạng, giá cả lại rẻ hơn nhiều lần.

Mới đây, ngày 14/1, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 312/VPCP - V.I về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ với nhau, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, thống nhất, cung cấp thông tin cho nhau để đem lại kết quả tốt nhất. Các lực lượng phải nắm chắc tình hình địa bàn trọng điểm, nhất là tại các khu dân cư đông đúc, nắm các mặt hàng có nguy cơ buôn lậu cao để đấu tranh.


Đơn cử đối với mặt hàng thuốc lá, năm 2013, thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam là 930 triệu bao, chiếm 22,2% thị phần nội địa, làm thất thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Thuốc lá lậu có giá rẻ nên cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước. Dự báo giai đoạn 2014 - 2015, thuốc lá lậu sẽ chiếm hơn 25% thị phần, cộng với việc thuốc lá trong nước buộc phải in cảnh báo sức khỏe trên bao bì nên nhiều người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng thuốc lá lậu.


Như vậy, muốn chống hàng lậu, trước tiên hàng trong nước phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Trong phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội của Bộ Công Thương mới đây về: “Thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đề ra các giải pháp lớn để chống buôn lậu, trong đó có việc nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để góp phần tự bảo vệ và phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Đồng thời, hình thành diễn đàn trao đổi công - tư về chống buôn lậu giữa các lực lượng chức năng và doanh nghiệp.


Thực tế, Công ty May Việt Tiến đã từng áp dụng cách làm này và cho hiệu quả bước đầu. Theo đó, công ty phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, hỗ trợ cho chi cục những hoạt động ra quân, rà soát hàng lậu trên địa bàn. Nhờ vậy, tại tỉnh này, hầu như không có hàng lậu, hàng nhái thương hiệu của công ty.


Nâng cao đời sống người dân biên giới


Việt Nam có đường biên giới dài hơn 4.500 km chạy dài qua 25 tỉnh, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Cùng với 23 cửa khẩu quốc tế, 65 cửa khẩu phụ, 28 khu kinh tế cửa khẩu với mạng lưới 285 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế một mặt giúp hoạt động thương mại qua biên giới phát triển mạnh mẽ, nhưng mặt khác cũng làm cho tình hình buôn lậu qua biên giới cũng diễn biến hết sức phức tạp. Hiện nay, các lực lượng chức năng chỉ có thể kiểm soát tại khu vực các cửa khẩu, các tuyến giao thông huyết mạch. Còn các đường ngang lối tắt nơi rừng núi thì không thể kiểm soát được hết.


Đặc biệt, các đầu nậu thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân địa phương để thuê họ chuyên chở, gùi hàng vượt biên qua những khu vực hiểm trở, sau đó đến điểm tập kết để tẩu tán hàng vào nội địa. Người dân vì đời sống khó khăn nên bất chấp luật pháp, vô tình tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.


Tại Lạng Sơn, một trong những địa bàn buôn lậu diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn cho biết, các đầu nậu thường sang Trung Quốc đặt mua hàng rồi giao khoán cho các đối tượng “cai” vận chuyển hàng về. “Cai” lôi kéo cư dân biên giới gánh, vác hàng vào nội địa bằng xe ô tô tải, xe chở khách, xe du lịch”.


Do đó, giải pháp căn cơ để đối phó với tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, là phải nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới để người dân có việc làm, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất cũng như tinh thần giữa các vùng miền để họ không tham gia mang vác hàng hóa nhập lậu cho các đầu nậu như hiện nay, xa hơn là xây dựng các chương trình phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào khu vực biên giới.


Nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân vùng biên giới, tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng 118 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo biên giới”, 11 căn nhà tình nghĩa, 10 nhà “đại đoàn kết”, xây dựng và đưa vào sử dụng “Làng thanh niên lập nghiệp” ở xã Trùng Khánh và xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng (huyện vùng cao biên giới) với 65 hộ gia đình đến sinh sống, từng bước đã ổn định, phát triển.


Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN