Giảm nghèo nhanh nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

“Có cầu treo chắc chắn, người dân chúng tôi không còn bị cô lập vào mùa lũ. Đời sống cũng bớt khó khăn vì thóc, ngô và hàng hóa được vận chuyển, đem bán ra trung tâm huyện dễ dàng hơn rất nhiều” - chị Thào Thị Chìa, dân tộc Mông, ở bản Lầu, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) tâm sự với chúng tôi khi nói đến chiếc cầu treo Suối Lĩnh nối xã Hố Mít với đường dẫn ra quốc lộ 32.


Theo bà con ở bản Lầu, trước khi cầu treo được tu sửa, mùa mưa lũ cả bản đi lại rất khó khăn. Nhà nào có việc ra huyện cũng đành chịu, trẻ con phải nghỉ học. Năm 2010, chính quyền địa phương cho sửa chữa lại cầu, những thanh gỗ mục nát được thay thế bằng tấm sắt cứng.

 

Căn nhà của gia đình anh Lò Văn Đăm, ở bản Can Hồ, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được làm từ nguồn vốn Chương trình 167.
Tuấn Anh – TTXVN


Cầu treo Suối Lĩnh chỉ là một trong hàng chục công trình được nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới ở huyện Tân Uyên theo nguồn vốn Chương trình 135. Từ năm 2009 đến nay, đã có hàng trăm tỷ đồng vốn từ Chương trình 134, 135, 30a cùng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khác được giải ngân để Tân Uyên xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại các thôn, bản vùng khó đặc biệt.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện miền núi Tân Uyên đã giảm nhanh từ 39,3% năm 2011 xuống còn 28% năm 2012.


Chương trình 135 với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn ở huyện. Trước kia, khi kênh mương nội đồng bằng bê tông chưa được xây dựng, anh Chẻo Văn Sính, dân tộc Dao ở bản Cang A, xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) phải đi một quãng đường khá dài để kéo đường ống dẫn nước vào ruộng, vừa mất công lại sợ bị trâu, bò dẫm nát ống dẫn. Khi có kênh thủy lợi từ nguồn vốn Chương trình 135 dẫn nước vào tận ruộng, anh và gia đình không còn phải lo ruộng lúa thiếu nước vào mùa khô. Anh Sính hồ hởi cho biết: “Có đủ nước, gia đình tôi có thêm động lực để khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt. Nhà nước xây cho cái mương chắc chắn, tôi không còn mất công dậy sớm, về muộn hay đi trông coi ống dẫn nước nữa. Có nước sản xuất, cả bản ai cũng phấn khởi”.


Ngoài việc chú trọng đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng, huyện Tân Uyên cũng quan tâm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp mới, mang tính bền vững. Những giống cây trồng mới cho năng suất cao được triển khai trồng, đã góp phần tăng năng suất và ổn định cuộc sống cho bà con dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Bà Phàn Thị Liều, dân tộc Dao, ở bản Cang A, xã Pắc Ta, là một trong những hộ nghèo được thụ hưởng từ nguồn vốn sản xuất của các chương trình giảm nghèo bền vững, phấn khởi cho biết: Được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng giống mới và bón phân hiệu quả, nên kinh tế gia đình bà đã khá hơn. Gia đình bà hiện có khoảng 3 sào lúa, thu về trên dưới 50 bao thóc. “Ngoài ra, gia đình tôi còn tận dụng đất để trồng thêm cây ngô, lạc và khoai tây. Cuộc sống không còn đói ăn và khó khăn như trước nữa”, bà Liễu chia sẻ.


Ngoài nguồn vốn từ Chương trình 135, Tân Uyên đã chỉ đạo lồng ghép đầu tư từ các nguồn vốn khác với những dự án hỗ trợ cộng đồng để nâng cấp hạ tầng cơ sở tại các xã nghèo. Từ đây, nhiều tuyến đường liên thôn bản trên địa bàn huyện được bê tông hóa, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn, thông thương hàng hóa thuận lợi. Hàng trăm km kênh mương nội đồng được xây dựng, giúp điều tiết nước cho hàng nghìn ha đất canh tác... Đầu tư có hiệu quả, đời sống vật chất tinh thần cũng như trình độ sản xuất của bà con các dân tộc ở Tân Uyên đã được cải thiện rõ nét.


Theo bà Hoàng Thị Luyến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Uyên, chỉ tính riêng Chương trình 30a, từ năm 2012 đến nay đã đầu tư khoảng 12,5 tỷ đồng để giúp bà con chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất như trồng lúa chất lượng cao Séng Cù, Khẩu Ký, chăn nuôi lợn rừng, gà thả vườn... Cây chè được xác định là cây công nghiệp chủ lực, xóa đói giảm nghèo mang tính bền vững cao. Hiện tại tổng diện tích chè toàn huyện là trên 1.200 ha, trong đó diện tích chè do người dân quản lý là gần 660 ha, năng suất bình quân đạt gần 90 tạ/ha. Phát triển loại cây công nghiệp này sẽ thu hút lao động tại địa phương, nâng cao, ổn định thu nhập cho bà con dân tộc đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện Tân Uyên phát triển theo hướng lâu dài.


Quang Duy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN