Gặp lại phi công bắn rơi 9 máy bay Mỹ

“Chú Cốc giỏi lắm, bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ là giỏi. Bác chúc cho không quân có nhiều Cốc hơn nữa”. Bác Hồ đã khen ngợi phi công Nguyễn Văn Cốc như vậy trong lần đến thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Phòng không - Không quân ngày 16/2/1969.

 

“Chim cắt số 2”


Đã hơn 44 năm trôi qua kể từ ngày đó, Anh hùng Cốc giờ đã ở tuổi thất thập, mái tóc bạc trắng, nhưng trong tâm trí ông còn nhớ rất rõ những kỷ niệm về lần được gặp Bác, về những lời căn dặn của Bác.

Anh hùng Cốc giờ đã ở tuổi thất thập.


Chúng tôi đến gặp Anh hùng Cốc tại ngôi nhà của người cháu trai của ông ở thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nơi ông đang nghỉ dưỡng bệnh sau một lần bị ngã cầu thang vào năm 2004 đã làm ông không đi lại được.

Trong chiến tranh chống Mỹ, phi công Nguyễn Văn Cốc (SN 1942), người con của quê hương Bích Sơn, Việt Yên, Bắc Giang, được đồng đội đặt cho biệt danh "Chim cắt số 2" trong chiến đấu, là người đã lập kỷ lục bắn hạ 9 chiếc máy bay Mỹ, phong hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.


Giọng anh hùng Cốc sang sảng, đầy tự hào khi kể về những trận đánh tiêu biểu của mình: Ngày 30/4/1967, nhận được thông báo có máy bay địch, hai phi công Nguyễn Văn Cốc và Nguyễn Ngọc Độ nhận lệnh lái máy bay MiG-21 lên độ cao hơn máy bay địch để đánh. Đồng chí Độ đã bám sát và phóng tên lửa làm chiếc


F-105 đang bay sau cùng trúng đạn bốc cháy. Cùng lúc đó, từ vị trí số 2, lợi dụng lúc địch chưa phát hiện ra, phi công Nguyễn Văn Cốc đã tăng lực vọt lên, đưa một chiếc F-105 vào tầm ngắm và ấn nút phóng tên lửa, lại thêm một chiếc F-105 nữa bốc cháy. Trong trận đánh ngày 23/8/1967, Nguyễn Văn Cốc đã thử nghiệm thành công chiến thuật "đồng thời công kích". Lúc 13 giờ 45 phút hôm đó, mạng ra đa Quân chủng Phòng không - Không quân phát hiện đội hình lớn gồm 40 chiếc máy bay địch ở Sầm Nưa (Lào). Phán đoán địch sẽ vào hướng tây - tây bắc Hà Nội, Bộ Tư lệnh Không quân quyết định sử dụng biên đội MiG-21 Chiêu - Cốc và hai biên đội MiG-17 cùng tham gia chặn đánh địch. Biên đội MiG-21 Nguyễn Nhật Chiêu (số 1), Nguyễn Văn Cốc (số 2) được dẫn thọc sâu vào phía sau đội hình địch, tạo thế công kích có lợi. Sau khi số 1 bắn hạ 1 chiếc F-105, nhận thấy địch không phát hiện được số 1, Nguyễn Văn Cốc (bay số 2) từ vị trí yểm hộ băng lên, phóng tên lửa và tiêu diệt ngay một chiếc F-4 của địch ở phía trước.

Trận đánh ngày 12/12/1967, ở độ cao 5.000 mét, biên đội trưởng Nguyễn Văn Cốc nhìn thấy tốp 4 chiếc máy bay F-105 của giặc Mỹ bay trên vùng trời Yên Thế (Bắc Giang). Nguyễn Văn Cốc hạ máy bay xuống độ cao 3.000 mét ngang bằng máy bay địch, bình tĩnh chỉnh kính ngắm vào đúng phần đuôi chiếc F-105 và ấn nút phóng tên lửa. Chiếc F-105 bị bắn hạ, bùng cháy thành ngọn lửa khổng lồ lao xuống dãy núi đá vôi phía dưới. Buổi sáng 7/5/1968, biên đội MiG21 của Đặng Ngọc Ngự và Nguyễn Văn Cốc cất cánh. Đường bay của Nguyễn Văn Cốc bị mất đội, ông đang liệng vòng tìm kiếm thì phát hiện phía trước có một chiếc F-4 của địch đang bay trên độ cao 1.000 mét. Sau những vòng quần chiến, chiếc máy bay của địch bay ra biển. Bám theo tên địch gần ra đến biển, khi cự ly chỉ còn cách 1.500 mét, Nguyễn Văn Cốc phóng quả tên lửa thứ nhất, rồi bật công tắc chuyển mạch phóng tiếp quả tên lửa thứ hai cho ăn chắc, chiếc F-4 bốc cháy đùng đùng rồi rơi xuống biển...


Tự hào và xúc động


Anh hùng Cốc nhớ rất rõ lần được gặp Bác Hồ vào ngày mùng Một Tết Kỷ Dậu năm 1969 khi Bác đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân. Cây gậy trúc Bác thường dùng đi rừng năm nào, lại theo tay Bác chống đến thăm bộ đội Không quân. Anh hùng Cốc và đồng đội nhanh chóng xua đi nỗi băn khoăn về sức khỏe của Bác khi được thấy Bác cười, Bác nói.


Bác hỏi: - Buổi họp mặt hôm nay có mấy đồng chí là Anh hùng quân đội? Chính ủy Đặng Tính thưa: - Thưa Bác, có 5 đồng chí ạ!


Bác gật đầu, rồi hỏi tiếp: - Người nào bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất? Chính ủy Đặng Tính tự hào báo cáo với Bác: - Thưa Bác, đồng chí Nguyễn Văn Cốc, phi công Trung đoàn 921 bắn rơi nhiều nhất ạ!


Bác hỏi: - Chú Cốc có mặt ở đây không? Nghe Bác gọi tên mình, Nguyễn Văn Cốc vô cùng xúc động, ông nói: - Dạ thưa Bác, cháu Cốc có mặt ở đây ạ. Bác nhìn về phía ông và nói: - Chú Cốc lên đây. Ông đứng nghiêm trước mặt Bác, giơ tay chào Bác theo kiểu quân sự: - Báo cáo Bác, phi công Nguyễn Văn Cốc có mặt ạ! Tiếng cười rộn dưới hàng quân và tiếng vỗ tay vang lên. Bác trìu mến hỏi ông: - Chú bắn rơi bao nhiêu máy bay Mỹ? - Thưa Bác, cháu bắn rơi 9 chiếc ạ! Bác cười tươi, nắm chặt tay ông, ôm lấy ông và hôn. Bác nói: - Chú Cốc giỏi lắm, bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ là giỏi! Nói rồi, Bác chuyển bàn tay trái cầm tay Nguyễn Văn Cốc giơ lên cao, tay phải của Bác cũng giơ lên trước hàng quân. Bác nói to để mọi người đều nghe rõ: - Nhân dịp đầu năm mới, Bác chúc cho Không quân có nhiều Cốc hơn nữa! Tiếng vỗ tay vang lên cùng với tiếng reo vui hồ hởi của mọi người...


Giọng nói của anh hùng Cốc như nghẹn lại khi nói về Bác. Ông nói, ông luôn trân trọng, biết ơn sâu sắc tình cảm của Người cha già kính yêu, trong chiến đấu ông luôn nghĩ đến Bác, mong muốn quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ để trả thù cho đồng bào ta bị giặc giết hại. Sau mỗi lần bắn rơi máy bay địch, chiến thắng trở về, ông đều nói vinh quang này là thuộc về Đảng, nhân dân, Bác Hồ vĩ đại. Ông bộc bạch rằng, trong cuộc đời mình ông mong muốn học được thật nhiều ở Bác đức tính giản dị, khiêm tốn, liêm khiết, hết lòng vì nước vì dân.


Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của phi công Nguyễn Văn Cốc, Đảng, Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969 và trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý khác gồm: 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 7 Huân chương Chiến công (hạng Nhì, hạng Ba), 1 Huy chương Quân kỳ Quyết thắng và 9 Huy hiệu Bác Hồ.


Bài và ảnh:Việt Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN