Đưa tiếp 500 trí thức trẻ về vùng khó khăn

Theo Bộ Nội vụ, 500 trí thức trẻ ưu tú sẽ được tuyển chọn, tăng cường về 500 xã thuộc vùng khó khăn để giúp chính quyền và người dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, đề án này sẽ chính thức được triển khai.


Ưu tiên tuyển đúng chuyên ngành


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), cho biết, khác với dự án 600 phó chủ tịch xã đã được thực hiện từ năm 2011, đề án 500 trí thức trẻ lần này tập trung tuyển chọn đội viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của chính quyền cơ sở.

 

Cán bộ Đoàn kinh tế Quốc phòng 379 và các trí thức trẻ trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc các giống cây ăn quả trước khi nhân rộng xuống hộ đồng bào huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Trọng Đức - TTXVN

Điều này sẽ giúp các địa phương khai thác hết năng lực, sở trường của từng cá nhân, phục vụ hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế. “Ví dụ nơi nào cần tăng cường cán bộ tư pháp hộ tịch thì chúng tôi sẽ chỉ tuyển chọn thí sinh học luật để bổ sung cho nơi đó. Nơi thiếu cán bộ kế toán, chúng tôi sẽ bổ sung đội viên ngành kế toán, tài chính. Người có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được ưu tiên trong quá trình xét chọn”, ông Minh cho biết.


Bên cạnh đó, đối tượng tham gia cũng phải đáp ứng một số tiêu chuẩn khác như: Tuổi đời dưới 30; có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt và tình nguyện đến làm việc tại vùng khó khăn, vùng dân tộc miền núi tối thiểu 5 năm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, căn cứ vào kết quả thực hiện, đội viên sẽ được xét tuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định của pháp luật. Các đội viên cũng được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh vào hệ đào tạo sau đại học; được chính quyền địa phương tạo điều kiện sắp xếp, ổn định công việc, được ưu tiên cấp hoặc thuê đất làm nhà để ổn định cuộc sống gia đình. Trường hợp đội viên tự ý bỏ việc khi chưa đủ thời gian làm việc theo quy định thì phải bồi thường kinh phí hỗ trợ ban đầu, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và các chi phí quản lý khác cho Nhà nước.


Theo Bộ Nội vụ, lộ trình thực hiện đề án chia làm bốn giai đoạn. Theo đó, công tác tổ chức, khảo sát, triển khai thực hiện đề án sẽ được tiến hành trong năm 2013, sang năm 2014 sẽ chính thức tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí 300 trí thức trẻ về địa phương. 200 trí thức còn lại sẽ được tuyển chọn vào năm 2015. Sau khi đội viên về xã công tác, đơn vị chủ trì sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân và tổng kết vào năm 2020.


Bạn Nguyễn Công Toàn, tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, khoa Tài chính ngân hàng (trường Đại học Kinh tế quốc dân) vào tháng 8/2012, cho biết, Toàn rất háo hức tìm hiểu về chương trình này để đăng ký tham gia. “Với em, được phục vụ và góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho Tổ quốc là niềm vinh dự và tự hào. Khi còn là sinh viên tham gia các phong trào tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa, thấy được sự khó khăn, gian khổ của người dân, em đã tự hứa với mình nhất định phải làm một điều gì đó giúp đỡ bà con ở những vùng nghèo khó này. Chương trình 500 trí thức trẻ là cơ hội giúp em thực hiện mong ước đó”, Toàn cho biết.


Trước luồng ý kiến cho rằng, hình thức xét tuyển chứ không phải thi tuyển sẽ gây ra nhiều tiêu cực, không đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh, ông Vũ Đăng Minh khẳng định: Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Những người tuyển dụng phải ý thức được rằng nơi mình đến công tác có rất nhiều thử thách, cần tinh thần xung kích tình nguyện của thanh niên. Các đội viên cần thể hiện sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ. “600 phó chủ tịch xã trong đợt tuyển chọn trước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đã minh chứng cho điều này.

Bên cạnh đó, qua quá trình thẩm định 2.000 hồ sơ để chọn ra 600 phó chủ tịch xã, chúng tôi đã rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn quy trình tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, các bạn trẻ nếu có nhiệt huyết, muốn cống hiến cho đất nước thì hãy nộp hồ sơ tại Bộ Nội vụ hoặc sở nội vụ các tỉnh, thành. Chúng tôi sẽ tổ chức tuyển chọn và phỏng vấn công khai để chọn ra những người xứng đáng nhất”, ông Minh cho biết.


Quyết tâm vực vùng khó


Dự án đưa trí thức trẻ về công tác tại các xã nghèo không phải là chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta. Thực tế, giai đoạn 2000 - 2002, đã có hơn 500 cán bộ về 125 xã khó khăn của 10 tỉnh để giúp địa phương xóa nạn mù chữ, phát triển nông lâm nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa. Trong số này, có 246 người có trình độ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng phát động những chiến dịch đưa trí thức trẻ về vùng sâu, vùng xa, điển hình như các tỉnh Bình Phước, Quảng Nam...


Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của những trí thức trẻ tình nguyện trong việc giúp đồng bào các dân tộc hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiếp thu khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít nơi sau khi dự án kết thúc, người dân lại tái nghèo. Theo ông Vũ Đăng Minh, lý do lớn nhất khiến các địa phương này tái nghèo là thiếu cán bộ. Phải có cán bộ có năng lực thật sự mới giúp dân thoát nghèo bền vững. “Việc tăng cường cán bộ lãnh đạo (các phó chủ tịch xã mới được bổ nhiệm) và tới đây bố trí những đội viên giỏi chuyên môn là biện pháp đúng đắn nhất để vực dậy vùng khó”, ông Minh khẳng định.


Cũng theo ông Minh, qua quá trình khảo sát, tổ chức thực hiện dự án được thực hiện trong năm 2013, Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) đang tiến hành tổng hợp số liệu. Kết quả bước đầu cho thấy, nhu cầu của các địa phương vượt quá số chỉ tiêu được giao. Những ngành được ưu tiên lựa chọn gồm: địa chính, nông nghiệp, môi trường, tư pháp hộ tịch, văn phòng, thống kê, văn hóa xã hội...

Thu Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN