Đưa ngành thủy sản phát triển bền vững

Phát triển thủy sản bền vững là hướng đi có tầm chiến lược của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Song làm thế nào để chủ động được nguồn giống có chất lượng đang là sự quan tâm lâu dài ở các tỉnh trong vùng. Bên cạnh đó, việc khuyến cáo người dân áp dụng mô hình nuôi thủy sản thân thiện với môi trường cũng là điều rất quan trọng.


Chưa chủ động được nguồn tôm giống


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, số lượng tôm giống thả nuôi của tỉnh trong năm 2014 ước tính hơn 6 tỷ con, trong đó giống tôm sú hơn 4,1 tỷ con và giống tôm chân trắng gần 2 tỷ con. Tuy nhiên, các cơ sở tôm giống của tỉnh có khả năng sản xuất khoảng 540 triệu post tôm sú, đáp ứng 12,8% nhu cầu và 900 triệu post tôm chân trắng, đáp ứng hơn 47% nhu cầu. Điều đó cho thấy tỉnh Kiên Giang chưa chủ động được nguồn tôm giống chất lượng cao để thả nuôi, ảnh hưởng bất lợi đến nghề nuôi tôm của nông dân.

 

Giữ tốt môi trường ao nuôi vừa góp phần giảm chi phí cho người nuôi vừa giúp ngành thủy sản phát triển bền vững. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN


Để đáp ứng nhu cầu tôm giống cho nông dân thả nuôi năm 2014, tỉnh Kiên Giang phải nhập khoảng 3,6 tỷ post tôm sú và hơn 1 tỷ post tôm chân trắng từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh khu vực miền Trung. Tuy nhiên, việc kiểm soát tôm giống nhập về tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Hệ lụy là chất lượng tôm giống không đồng đều, tôm nuôi phát sinh dịch bệnh lây lan và kéo dài.

Nhằm nâng cao chất lượng tôm giống thả nuôi cho các doanh nghiệp và nông dân, năm nay ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống, nguồn tôm giống sản xuất tại địa phương, tôm giống di nhập vào tỉnh. Đồng thời, quy định cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trước khi lưu thông tôm giống trên địa bàn tỉnh phải khai báo với trạm thú y tại địa phương để kiểm dịch theo quy định; thành lập tổ, chốt kiểm dịch tôm giống tại các cửa ngõ giao thông ra vào tỉnh Kiên Giang trong thời điểm thả nuôi chính vụ và kiên quyết xử lý, tiêu hủy tôm giống mang mầm bệnh.


Tỉnh Kiên Giang cũng khẩn trương hoàn thành các hạng mục và đưa vào sản xuất Trung tâm Giống hải sản Phú Quốc trong quý I/2014; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sản xuất tôm giống tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương; khuyến khích các cơ sở nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên có sản xuất tôm giống tăng công suất, nâng cao số lượng, chất lượng tôm giống vừa chủ động nguồn giống cho cơ sở, vừa cung cấp cho nông dân thả nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chủ động quan hệ với các cơ sở tôm giống có uy tín, chất lượng tốt tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau nhập giống về đáp ứng nhu cầu tôm giống nuôi của địa phương; cung cấp địa chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống chất lượng tốt trên địa bàn cho nông dân gắn với khuyến cáo không mua tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc để thả nuôi.


Năm 2014, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch nuôi tôm nước lợ 89.000 ha, phấn đấu đạt sản lượng 54.000 tấn, với các loại hình nuôi thâm canh - bán thâm canh, tôm - lúa, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến.


Cần áp dụng mô hình nuôi thủy sản thân thiện với môi trường


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, giải pháp ứng dụng hệ thống tạo khí oxy bằng năng lượng mặt trời sẽ loại bỏ khả năng gây ô nhiễm từ các nguồn năng lượng khác như dầu diesel, khí nén; khi sử dụng cho nuôi tôm công nghiệp thì hoàn toàn không sử dụng hệ thống quạt vận hành bằng dầu diesel hoặc điện sẽ giảm được chi phí đáng kể cho người nuôi tôm ở Cà Mau.


Theo tính toán của nhà sản xuất, trên diện tích ao nuôi 0,5 ha, nếu dùng máy chạy dầu diesel để vận hành dàn quạt thì tốn kém chi phí sản xuất mỗi vụ khoảng 30 triệu đồng. Nếu áp dụng hệ thống tạo khí oxy bằng năng lượng mặt trời thì giảm đáng kể chi phí sản xuất, người nuôi tôm công nghiệp không cần đầu tư vốn mua cánh quạt, máy phát điện, nhiên liệu dầu diesel. Tỉnh Cà Mau quy hoạch đến năm 2015 sẽ phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 10.000 ha. Thế nhưng hiện tại, hàng nghìn hộ dân nuôi tôm ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển… đang gặp khó khăn về điện ba pha phục vụ nuôi tôm công nghiệp, dẫn đến chi phí đầu tư sản xuất rất lớn và lợi nhuận thu được không cao. Do vậy, trong năm 2014 và những năm sắp tới, tỉnh Cà Mau sẽ ứng dụng rộng rãi hệ thống tạo khí oxy bằng năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ngành nghề nuôi thủy sản ở Cà Mau theo hướng ổn định và bền vững.


Trong nhiều năm qua, phần lớn các hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đầu tư mua sắm máy phát điện sử dụng nguyên liệu dầu diesel để vận hành hệ thống cánh quạt tạo khí oxy phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Cách sản xuất theo lối truyền thống này ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm ở các ao, đầm nuôi tôm. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tôm nuôi bị chết kéo dài. Trước thực trạng trên, tỉnh Cà Mau khuyến cáo người nuôi tôm áp dụng biện pháp nuôi tôm thân thiện với môi trường, an toàn sinh học để bảo tồn tài nguyên đất, gia tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm thủy sản. Người nuôi tôm cần chú trọng đến việc cải thiện môi trường ao nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học thay cho các chất hóa học, đặc biệt là ứng dụng hệ thống tạo khí oxy bằng năng lượng mặt trời, có tác dụng giảm thiểu sự ô nhiễm và các chất gây bẩn trong ao, đầm nuôi thủy sản.

 

Lê Huy Hải - Kim Há

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN