Đồng bằng sông Cửu Long mùa lũ về - Tình quân dân nơi biên giới Tây Nam

Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng những người dân ở các xóm nghèo sống dọc biên giới Việt Nam - Campuchia luôn sống chan hòa, đong đầy tình làng nghĩa xóm. Họ còn đồng hành với các chiến sĩ biên phòng ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

 

Tổ tự quản đường biên, cột mốc


Trong căn nhà sàn được dựng cao bằng những chiếc cột gỗ chống xuống nền đất sình lầy, hơn 15 thành viên của tổ tự quản đường biên cột mốc số 2 tại ấp 2, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có mặt đông đủ. Ông Nguyễn Văn Oai, tổ trưởng tổ tự quản rót từng chén trà nóng hổi, nghi ngút khói và chuyền tay đến từng thành viên để xua đi cái cảm giác lạnh lẽo của cơn mưa đang rả rích từ nhiều ngày qua.

 

Lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương thăm hỏi bà con nơi vùng biên giới.


Ngoài 50 tuổi, ông Oai trông vẫn khỏe mạnh, đôi cánh tay rắn chắc, đôi mắt sáng và giọng nói trầm ấm. Quay sang đại úy Trương Văn Thi, Chính trị viên phó đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, ông Oai cho biết: “Sau khi được lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động bà con không sang nước bạn đánh bắt thủy hải sản trái phép, tiếp tay cho buôn lậu, phòng chống tệ nạn xã hội, chúng tôi cũng đã thường xuyên ghé thăm từng nhà trong xóm, ấp để tiếp tục vận động thêm. Đồng thời cũng nắm tình hình có hay không những đối tượng lạ mặt, khả nghi trà trộn vào xóm, ấp”. Trong quyển sổ đã sờn góc để trên sàn nhà mà ông đưa cho chúng tôi xem, có cả những ghi chép tỉ mỉ của ông về những lần cùng các thành viên trong tổ đi tuần tra. Cả những lần ông đi giăng lưới, đặt dớn bắt cá dọc tuyến đường biên giới kết hợp kiểm tra 5 dấu hiệu cột mốc chủ quyền.


Tổ tự quản đường biên cột mốc số 2 là một trong 3 tổ với tổng số 45 thành viên đã thành lập từ năm 2011 để hỗ trợ đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước quản lý, bảo vệ 1,5 km đường biên giới. Đại úy Trương Văn Thi cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của bà con nhân dân, nên công tác bảo vệ vùng biên giới được đảm bảo. Thực sự chúng tôi không thể quản lý tốt đường biên giới kéo dài đến 7,8 km nếu như không có sự giúp sức của 3 tổ tự quản này”.


Theo thông tin của đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, trong năm 2013, quần chúng nhân dân ở các ấp, đặc biệt là các thành viên trong 3 tổ tự quản đã cung cấp hàng trăm tin tức có giá trị và tham khảo để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, phục vụ tốt cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự. Đại tá Lê Văn Luận, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp đánh giá: “Tính đến nay đã củng cố và xây dựng được 25 tổ tự quản đường biên cột mốc với 492 thành viên và những năm qua hoạt động của các tổ tự quản rất hiệu quả. Cung cấp nhiều thông tin quý giá cho lực lượng biên phòng”.


Vững chắc thế trận nhân dân


Cơn mưa vừa dứt, chúng tôi cùng các thành viên tổ tự quản số 2 men theo triền đê ẩm ướt, trơn trượt để đến những ngôi nhà sàn được bao bọc bằng những tấm tôn cũ kỹ, thậm chí có những căn nhà đã mục nát, xiêu vẹo nằm dọc tuyến biên giới. Ở mỗi ngôi nhà ghé thăm, hình ảnh đầu tiên nhận ra là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng, phía dưới là gian thờ tổ tiên. Ông Oai xúc động nói: “Chúng tôi là người dân sinh sống bao đời nay ở vùng đất này, việc làm ăn, mua bán qua lại với nước bạn rất thường xuyên. Do vậy, người dân ở đây luôn sống chan hòa và đề cao tinh thần cảnh giác xem việc bảo vệ chủ quyền biên giới là trách nhiệm thiêng liêng của mình. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tình làng nghĩa xóm luôn đong đầy, đoàn kết để xây dựng thôn, ấp văn hóa ở nơi biên cương tổ quốc”.

 

Đại diện Đồn Biên phòng Thường Phước tặng quà cho hộ nghèo.


Chia tay với tổ tự quản số 2, chúng tôi cùng các chiến sỹ biên phòng tiếp tục đến cụm dân cư vượt lũ Giồng Bàng, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp để trao quà cho các hộ gia đình nghèo, neo đơn. Đại úy Thi cho biết: “Trong quá trình tuần tra biên giới, những chuyến phối hợp với địa phương làm công tác tuyên truyền, chúng tôi thấy còn rất nhiều hộ nghèo khó nên từ đó chương trình “Hũ gạo tình thương” của đơn vị đã ra đời. Hiện tại đồn đang hỗ trợ cho 5 hộ người già neo đơn. Cứ mỗi tháng chúng tôi gửi mỗi hộ 15 kg gạo và 200.000 đồng. Dù không nhiều nhưng đó là tấm lòng của người lính đứng chân trên địa bàn biên giới này”.


Đại úy Thi còn cho biết thêm, hàng năm nước lũ về khiến điều kiện sinh sống của những hộ dân trên khu vực biên giới rất khó khăn. Các chiến sỹ của đồn thường phối hợp với địa phương để tổ chức giúp dân chằng chéo nhà cửa, cắt lúa để vượt lũ. Đặc biệt tình trạng sạt lở trên bờ sông Tiền đoạn qua xã Thường Phước xảy ra liên tục nên đồn cũng phải giúp dân di dời nhà cửa. Mùa lũ năm nay, các chiến sỹ đồn biên phòng đã giúp dân di dời 34 căn nhà vào nơi an toàn.


Tuy nhiên, để cuộc sống nhân dân vùng biên giới được ngày càng ổn định, chị Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch MTTQ xã Thường Phước kiến nghị: “Cả xã còn trên 350 hộ dân sống dọc biên giới chưa đưa vào được cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Chúng tôi cũng kiến nghị Nhà nước đầu tư làm tuyến đường biên giới chạy dọc con sông Thường Phước Ba Nguyên với chiều dài 7,8 km. Nếu làm được công trình này sẽ giúp cho việc tuần gia biên giới thuận tiện hơn trong mùa khô và cả mùa lũ. Đồng thời xây dựng tuyến dân cư vượt lũ trên đường biên giới sẽ giải quyết chỗ ở an toàn cho 350 hộ dân nói trên”.


Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN