Độc đáo chợ tình Xuân Dương

Không quá nổi tiếng như chợ tình Khâu Vai (Hà Giang) hay chợ tình Sa Pa (Lào Cai), nhưng chợ tình Xuân Dương (Bắc Kạn) vẫn có nhiều nét riêng độc đáo, hấp dẫn với đồng bào địa phương cũng như du khách gần xa.

 

Tìm lại hình bóng người xưa


Chợ tình Xuân Dương đã xuất hiện trong cộng đồng Tày, Nùng ở Xuân Dương (Na Rì) từ bao đời nay và nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chợ họp trên một bãi đất rộng ở trung tâm xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; là chợ tình của đồng bào Tày, Nùng sinh sống tại các huyện miền núi cao của các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Chợ họp không có người mua, kẻ bán. Những người đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa, ôn lại những kỷ niệm cũ hay tìm cho mình một người bạn tâm giao. Ngay từ sáng sớm, các đôi trai gái mặc những bộ trang phục đẹp nhất của dân tộc mình dắt tay nhau xuống chợ.


 

Dòng người đổ về dự chợ tình Xuân Dương. Ảnh: mytour.vn

Theo những người cao tuổi trong làng kể lại, ngày xưa, tại vùng đất họp chợ bây giờ, có đôi vợ chồng nghèo sống rất hạnh phúc và nhất mực thương yêu nhau. Một ngày nọ khi hai vợ chồng đang làm đồng, thì một viên quan đi qua, thấy người phụ nữ xinh đẹp đã cho quân bắt nàng mang đi. Người vợ chống cự, kêu cứu thảm thiết, nhưng do thửa ruộng quá dài nên người chồng không nghe thấy. Khi hay tin vợ mình bị bắt đi, người chồng rất đau khổ nhưng không biết làm sao để tìm được vợ.


Nhiều năm sau, người vợ tìm về gặp lại chồng cũ. Lúc ấy, mỗi người đã có một gia đình riêng, không thể tính đến chuyện hàn gắn, họ chỉ còn biết ôm nhau mà khóc. Biết chuyện, dân làng ai cũng tỏ lòng thương. Cảm động trước tình cảm của những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau nên mọi người đồng ý để hai vợ chồng cũ có một ngày ôn lại chuyện xưa là ngày 25/3 (âm lịch) và chọn thửa ruộng dài (Nà Rì) của vợ chồng nhà nọ làm nơi tụ họp. Ruộng dài (Nà Rì) cũng là tên của cả huyện Na Rì (Bắc Kạn) ngày nay.


Đến chợ từ rất sớm, anh Trương Văn Bản, dân tộc Tày, xã Liêm Thủy, huyện Na Rì, đang hồi hộp chờ người bạn tình xưa. Anh chia sẻ: "Mình và cô ấy đều đã có gia đình rồi. Mình muốn gặp lại bạn cũ để xem cô ấy sống có vui, có hạnh phúc như mình không thôi. Nếu cô ấy cũng vui, cũng hạnh phúc như mình thì mình cũng vui mà".


Còn bà Triệu Thị May, dân tộc Nùng, xã Xuân Dương, nay đã gần 70 tuổi cho biết, năm nào bà cũng đến chợ tình, vừa để nhớ lại mối tình đẹp thời trẻ, vừa để xem chợ tình có sự thay đổi ra sao so với trước đây.

 

Nét văn hóa trong cộng đồng Tày, Nùng


Không chỉ là nơi hẹn hò của biết bao đôi trai gái đang yêu, là nơi hẹn gặp lại của những cặp tình nhân trước đây vì lý do nào đó họ không lấy được nhau nay hẹn gặp để chia sẻ, cảm thông cho nhau, chợ tình còn là nơi giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc, giúp họ gắn kết với nhau hơn.


Chợ tình Xuân Dương họp mỗi năm một lần vào ngày 25/3 âm lịch. Người đi chợ tình tìm đến đây để nhớ lại những kỷ niệm xưa, tìm lại hình bóng người con gái, con trai mà họ từng yêu thương... xem giờ đây họ sống có hạnh phúc hay không...

Đến với chợ tình Xuân Dương, khách thập phương sẽ được thưởng thức các làn điệu then, sli, lượn, đàn tính trữ tình ngọt ngào, đặc sắc và được thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào Tày, Nùng với các món ăn lạ mắt mà đậm hương vị của núi rừng Xuân Dương như: thắng cố, mèn mén, thịt treo, bánh trứng kiến, bánh khảo, bánh lá ngải... Đặc biệt, du khách sẽ được tham gia những trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, rày cỏ, đánh cù, tung còn, đi cà kheo... Những nét văn hóa này đã và đang góp phần tạo nên một không gian văn hóa muôn màu sắc đậm đà bản sắc dân tộc Tày, Nùng nơi đây.


Ông Đàm Đình Trưởng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì, cho biết: "Do ảnh hưởng của văn hóa hiện đại, nhiều nội dung của chợ tình đã bị mai một. Chúng tôi đang cố gắng khôi phục và gìn giữ những nét đẹp văn hóa vốn có của chợ tình để không bị trộn lẫn, biến tướng".


Anh Hoàng Đình Quân, du khách đến từ Thái Nguyên cho biết: Năm nào gia đình anh cũng rủ nhau đi chợ tình để được thưởng thức các món ăn dân tộc, thưởng thức văn hóa bản địa, cũng như được hòa quyện với thiên nhiên núi rừng nơi đây.


Chiều tà, trên các ngả đường về, bên đồi sim, từng đôi trai gái lưu luyến chia tay nhau bằng những điệu then, câu hát giao duyên, sli, lượn. Họ uống với nhau những chén rượu ngô men lá thơm nồng để hẹn gặp nhau ở phiên chợ sau...


Đức Hiếu


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN