Doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc và hoạt động xã hội

Những doanh nghiệp đầu tư (DNĐT)Hàn Quốc đã có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Một ví dụ điển hình là chỉ riêng Công ty điện tử Samsung đã chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng so với sức ảnh hưởng lớn mạnh như thế về mặt kinh tế các DNĐT Hàn Quốc đang có ảnh hưởng như thế nào tới xã hội Việt Nam?


Đánh giá để có cái nhìn tổng quan


Cuộc vận động thực hiện trách nhiệm xã hội nhấn mạnh việc thực hiện trách nhiệm và đóng góp vào sự phát triển xã hội của doanh nghiệp đang dần được đề cập đến như là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ điều này sẽ có ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp đó có trở thành doanh nghiệp được ưa chuộng trong xã hội Việt Nam?

 

Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam. đức tám -TTXVN


Trong thời gian qua những DNĐT Hàn Quốc đã triển khai nhiều hoạt động tình nguyện và có những đóng góp đa dạng vì lợi ích của xã hội Việt Nam. Những doanh nghiệp này đã cố gắng vì sự phát triển của xã hội Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như trao tặng học bổng, xây nhà tình thương, viện trợ kinh phí phẫu thuật cho những bệnh nhân nghèo mắc bệnh tim, hở hàm ếch..v.v. Nhưng giờ đã đến lúc cần phải đánh giá những hoạt động đã làm trong thời gian qua và triển khai những hoạt động mới. Bởi vì cách duy nhất để các DNĐT Hàn Quốc vừa mở rộng hơn nữa sức ảnh hưởng về mặt kinh tế vừa tạo sự hòa hợp với xã hội Việt Nam chính là các hoạt động xã hội của các DNĐT Hàn Quốc tại Việt Nam.


Thời báo Việt - Hàn, với sự trợ giúp của một số tổ chức hữu quan Hàn Quốc đã tiến hành cuộc thăm dò ý kiến của 50 doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm đánh giá một cách khái quát việc thực hiện trách nhiệm và đóng góp cho xã hội của những DNĐT Hàn Quốc cũng như tìm hiểu nguyện vọng và phương hướng của các doanh nghiệp trong công tác xã hội tại Việt Nam.


Đánh giá về nội dung điều tra


Kết quả điều tra cho thấy chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội của các DNĐT Hàn Quốc trong thời gian qua có phần tụt hậu và còn nhiều hạn chế. Những hoạt động đóng vai trò chủ đạo thường là giúp đỡ những người nghèo khó hay trao tặng học bổng. Những hoạt động này không những có hiệu quả hạn chế trong từng sự vụ mà còn hạn chế cả sức lan tỏa xã hội. Một trong những lý do chính khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn có sự đổi mới là những phương thức hoạt động trong thời gian qua quá lạc hậu (33,3%). Số doanh nghiệp hài lòng với những hoạt động mà họ đã tiến hành trong quá khứ chỉ chiếm 9,4% trong khi yêu cầu có sự thay đổi trong các hoạt động đã tiến hành lại rất mạnh mẽ (chiếm tới 57,3% số người được hỏi, trong đó muốn tìm kiếm một phương thức mới chiếm 33,3%, có gì đó nuối tiếc chiếm 24%).


Tuy nhiên, cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy các doanh nghiệp không thể dễ dàng thoát khỏi khuôn khổ của những chương trình đã tiến hành trong quá khứ, nghĩa là họ rất khó để tạo ra được một chương trình hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội theo hình thức mới có tính bền vững lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội. Điều này xuất phát từ 2 lý do sau: Thứ nhất là các doanh nghiệp được chuyên môn hóa trong những hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhau nên khả năng lên kế hoạch thực hiện chương trình ở một lĩnh vực đặc biệt như hoạt động xã hội rất yếu. Thứ hai là mặc dù có ý tưởng về chương trình có thể có ảnh hưởng đến mọi mặt của sự phát triển xã hội một cách lâu dài nhưng quy mô của chương trình này lớn nên từng doanh nghiệp riêng biệt sẽ rất khó thực hiện.


Kết quả thăm dò cho thấy có tới 41% doanh nghiệp trả lời rằng họ tán thành với phương thức hoạt động xã hội mới, theo đó các doanh nghiệp cùng nhau tiến hành. 54% doanh nghiệp trả lời rằng họ sẽ suy nghĩ tùy theo chương trình. Như vậy có thể thấy rằng 95% doanh nghiệp có thể tiếp thu xu hướng đổi mới; và đã đến lúc cần có một khung chương trình chung cho hoạt động xã hội của các doanh nghiệp.


Kết quả điều tra cũng cho thấy, lượng tiền mà các doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng làm công tác xã hội trong một năm như sau: 10 triệu đến 100 triệu đồng nhiều nhất chiếm 60%, trên 300 triệu chiếm 18%, từ 100 triệu đến 300 triệu chiếm 12%, trường hợp dưới 10 triệu chiếm 10%. Như vậy, nếu không tạo ra các chương trình chung, cùng nhau thực hiện mà để các doanh nghiệp tự tiến hành riêng lẻ cũng sẽ không tạo ra ấn tượng. Tuy nhiên, nếu vài chục doanh nghiệp cùng nhau tiến hành thì có thể tạo ra một chương trình có quy mô mang lại sự thay đổi cho từng vùng, từng lĩnh vực và có sức lan tỏa rộng trong xã hội Việt Nam.


Vậy vấn đề đặt ra là ai sẽ là người lên kế hoạch và chủ trì chương trình thực hiện công tác xã hội tại Việt Nam. Câu trả lời này chắc chắn sẽ có lời đáp trong thời gian tới bởi cộng đồng Hàn Quốc đã nhận thức được rằng con đường nâng cao sức ảnh hưởng về mặt xã hội của các doanh nghiệp chính là thông qua các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội. Đây là con đường duy nhất để Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc có thể cùng cộng sinh, cộng hưởng và phát triển bền vững.


Thái Hoàng và Nhóm thực hiện chuyên đề

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN