Điều chỉnh lãi suất đã khá linh hoạt

Thời gian qua, lãi suất ngân hàng đã giảm tích cực, nhưng vẫn có một số ý kiến cho rằng, lãi suất vẫn cao, doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận vốn; nợ xấu chưa xử lý triệt để. Để làm rõ vấn đề này, chiều 21/5, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi trao đổi với một số chuyên gia kinh tế và lãnh đạo ngân hàng thuơng mại (NHTM).

Khách hàng vay vốn tại HDBank Thủ đô, chi nhánh Hà Nội.
Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong hơn 4 tháng qua, NHNN đã điều hành chính sách lãi suất tiền tệ khá linh hoạt, 2 lần điều chỉnh lãi suất, đáng chú ý đầu tháng 5/2013 giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất đối với một số ngành hàng ưu tiên tuy nhiên vẫn giữ nguyên trần lãi suất huy động ngắn hạn là 7,5%/năm do vẫn phù hợp với mục tiêu lạm phát và đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đã ở mức dưới 10%/năm, một số lĩnh vực khác được vay với mức từ 9- 12%/năm. Đặc biệt, với những khách hàng là DN tốt còn được hưởng lãi suất thấp hơn là từ 7,5- 8%/năm. Mặt bằng lãi suất này đã trở về giai đoạn năm 2005-2007.


Đại diện NHNN cho biết, đối với các khoản vay cũ, mức lãi suất vay 15%/năm đã được một số NHTM giảm xuống còn 13%/năm; tỷ giá, thị trường vốn ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, thanh khoản của tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cao.

Trao đổi với báo giới chiều tối 21/5, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Nghị định về thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã được Thủ tướng Chính phủ ký chiều cùng ngày.

 VAMC đi vào hoạt động trong quý II này sẽ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu; tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thành công. Vốn điều lệ của VAMC được cấp từ nguồn vốn hợp pháp của NHNN. VAMC cung cấp các giải pháp để hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp có khoản nợ được bán cho VAMC.

Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành. Ngoài ra, VAMC với các cơ chế hoạt động, các quyền đặc thù cùng với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý, chính sách thuế,… cho doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng, VAMC xử lý nợ và tài sản bảo đảm đã mua. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ được quyền tham gia vào quá trình này theo nguyên tắc thị trường dưới hình thức bán đấu giá.


Lý giải việc khả năng hấp thụ vốn của nhiều DN còn kém, phía NHNN cho rằng, có những DN đủ điều kiện vay vốn nhưng không vay do lượng hàng tồn kho cao; nhiều DN nhỏ khó tiếp cận vốn là do tình hình kinh doanh yếu kém, không đủ điều kiện vay vốn nên ngân hàng không dám cho vay dưới chuẩn do tiềm ẩn nguy cơ rủi ro với nền kinh tế.


Đề cập tới vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh nói: "Nền kinh tế đang rất khó khăn và DN là "người lính" trên mặt trận khó khăn đó. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do NHNN nhưng tôi cho rằng, NHNN có trách nhiệm lớn nhất liên quan đến lạm phát và nếu để cứu DN thì không nên trông đợi quá nhiều vào NHNN".


Theo ông Ánh, lãi suất hiện nay không còn là yếu tố quyết định bởi hàng tồn kho còn nhiều, luợng cầu thấp thì lãi suất có hạ xuống 0% DN cũng không dám vay. Hiện nay, các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro, nếu cho vay nhiều thì nguy cơ thu hồi vốn là khó… "Tôi cho rằng mức lãi suất như hiện nay là hợp lý", ông Ánh nói.


Liên quan tới việc xử lý nợ xấu, ông Cao Sỹ Kiêm- Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho hay: Việc ra đời Công ty quản lý tài sản Việt Nam, mua bán nợ cũng chỉ giải quyết được một phần nợ xấu. Vì vậy, ngân hàng và DN vẫn phải chủ động để giải quyết nợ xấu bằng cách ngồi lại với nhau để bàn hướng giải quyết. Theo ông Kiêm, muốn DN tiếp cận vốn phải tăng tổng cầu, giảm hàng tồn kho vì nếu DN không bán được hàng thì không dám vay và ngân hàng cũng không dám cho vay.


Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Thực tế không chỉ DN tốt ngân hàng mới cho vay với lãi suất 9- 10% mà cả các DN gặp khó khăn nhưng sau một thời gian có thể khắc phục, ngân hàng vẫn sẵn sàng chấp nhận cho vay với lãi suất 6- 8% để DN có cơ hội phục hồi.

Minh Phương
Chia sẻ vấn đề này, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cho biết, ngân hàng này đang cung cấp cho các DN vừa và nhỏ như: gói tài trợ vốn lưu động ưu đãi trị giá 2.000 tỷ đồng kéo dài đến hết ngày 31/12/2013 với lãi suất ưu đãi từ 9,9%năm, gói ưu đãi giao dịch tài khoản SeAPlus giảm 50% các mức phí chuyển tiền trong nước.


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN