Điện khí hóa nông thôn ở Hà Giang

Đứng chân tại địa bàn tỉnh miền núi, kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty Điện lực Hà Giang đã vượt mọi thử thách hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, chương trình điện khí hóa nông thôn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

Theo thống kê của Điện lực Hà Giang, sau 15 năm thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn (từ 1998 đến 2013) toàn tỉnh có 1.609/2.057 thôn có điện lưới quốc gia, tương ứng với 125.215/164.059 hộ có điện, đạt 76,32% tăng 3,9 lần so với năm 1998.

Chương trình thi đua “Gia đình tiết kiệm điện” thành phố Hà Giang năm 2013.


Được sự quan tâm đầu tư của ngành và địa phương, đến năm 2007 Công ty Điện lực Hà Giang là đơn vị đầu tiên trong 6 tỉnh biên giới phía bắc đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia (195/195 xã, phường, thị trấn). Từ đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc, nâng cao việc tiếp thu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, chính trị, giữ vững và ổn định an ninh biên giới quốc gia.

Bên cạnh việc mang ánh sáng của Đảng đến với người dân nông thôn, năm 2008 Công ty Điện lực Hà Giang đã hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. 100% số hộ dân sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được hưởng giá bán lẻ điện của Chính phủ quy định. Các chi nhánh điện của Hà Giang đã triển khai tốt chính sách ưu đãi đối với các hộ nghèo theo tiêu chí của Chính phủ quy định được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng, các hộ có mức sử dụng điện thường xuyên dưới 50 kWh/tháng có đăng ký với ngành điện được hưởng giá 993 đồng/kWh.

Điện lực Hà Giang đặt mục tiêu đến 2020 đạt 100% thôn, bản có điện với số hộ có điện đạt 98%. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của gần 39.000 hộ dân nông thôn miền núi tỉnh Hà Giang chưa có điện cần phải đầu tư nguồn vốn rất lớn. Vì vậy, Công ty Điện lực Hà Giang kiến nghị UBND tỉnh, Sở Công Thương và các cơ quan ban ngành liên quan xem xét, có kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán ở khu vực miền núi xa xôi, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, chính trị của tỉnh, giữ vững và ổn định an ninh biên giới quốc gia.




Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN