Di sản bất diệt của sự nghiệp đoàn kết toàn dân

Trong lần thăm Việt Nam đầu tiên vào năm 1965, nhà báo Niko Schvarz đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc. Đối với ông, vị tướng lỗi lạc nhưng rất dung dị này có những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới.


Ông Niko từng tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Uruguay từ năm 1962 đến 1989 và là Phó giám đốc và phụ trách biên tập tờ “El Popular” (Nhân Dân), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Uruguay.

 

Nhà báo Niko Schvarz và tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với nhà báo kỳ cựu vừa tròn 86 tuổi này về những kỷ niệm của ông trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

 

Xin ông cho biết cảm xúc khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần?


Tôi cảm thấy rất đau buồn và như bị một cú đấm vào tim. Việc Đại tướng từ trần đã được báo trước, bởi tuổi của ông đã rất cao, thế nhưng không phải vì thế mà nỗi đau nhẹ đi trong tôi khi ông qua đời. Tôi đã tới thăm nhà Đại tướng vào tháng 9/2011, khi được bổ nhiệm làm đại sứ lưu động có nhiệm vụ mở sứ quán của Uruguay tại Việt Nam. Thế nhưng tôi không được gặp ông vì phu nhân của Đại tướng, bà Đặng Bích Hà, và người con trưởng của Đại tướng thông báo với tôi rằng ông đang phải nhập viện. Người nhà Đại tướng đã tặng tôi một cuốn sách rất đẹp với khoảng 300 bức ảnh của Đại tướng và tôi đã giữ nó như là một trong những vật quý giá nhất. Cuốn sách đó ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc đời của Đại tướng, và những lần ông đón tiếp các nhân vật nổi tiếng tại nhà riêng.

 

Được biết ông có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều gì ở Đại tướng để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất?


Tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hoàn cảnh rất kịch tính. Tôi tới Hà Nội năm 1965, khi Việt Nam chìm trong chiến tranh. Sau khi dựng ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc trong khi chiếm đóng quân sự tại miền Nam.


Trong hoàn cảnh như vậy, Đại tướng vẫn dành thời gian và sự kiên nhẫn để kể cho tôi tất cả các chi tiết của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước một sa bàn lớn, Đại tướng đã giới thiệu tỷ mỉ từng giai đoạn của chiến dịch.


Trong lần thăm Hà Nội mới đây, tôi đã có được bản dịch tiếng Tây Ban Nha của cuốn sách “Điểm hẹn lịch sử” do nhà xuất bản Monte Ávila của Venezuela xuất bản, trong đó Đại tướng mô tả tỉ mỉ diễn biến từng ngày của chiến dịch kéo dài gần hai tháng đó.

 

Đã có nhiều thời gian nghiên cứu và được gặp Đại tướng, vậy ông đánh giá thế nào về con người và tài thao lược quân sự của Đại tướng?

Đại tướng tập hợp nhưng ở mức cao độ một tính cách rất đặc biệt mà tôi thấy ở tất cả những người Việt Nam mà tôi từng được trò chuyện: Tình cảm anh em, cư xử nhẹ nhàng, sự cống hiến và tôn trọng người khác, đồng thời có niềm tin vững chắc và kiên quyết bảo vệ lý tưởng của mình.


Chiến lược quân sự của ông được phản ánh trong cuốn sách “Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân”. Cuốn sách này được xuất bản tiếng Tây Ban Nha tại Cuba với lời tựa của Che Guevara. Trong cuốn sách đó (lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha), Đại tướng khẳng định chiến tranh nhân dân không chỉ là chiến tranh du kích. Chiến tranh nhân dân không phải do một quân đội tiến hành, cho dù quân đội đó mang tính nhân dân đến đâu, mà là do toàn dân thực hiện. Toàn dân cần phải tham gia và đóng góp vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây là một cuộc chiến trên các mặt trận quân sự, kinh tế và chính trị...

 

Ông có thể bình luận gì về những đóng góp của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng trên thế giới nói chung?

Những đóng góp của Đại tướng là rất quan trọng, và điều này được các nhân vật, lực lượng chính trị và xã hội ở tất cả các châu lục ghi nhận trong những ngày qua. Những đóng góp của ông còn thể hiện ở chỗ ông là học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia thành lập mặt trận duy nhất ở Việt Nam tập hợp tất cả các lực lượng đấu tranh đánh đuổi Nhật - Pháp.


Sau đó Đại tướng được giao nhiệm vụ đứng đầu Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân đã cùng toàn dân làm nên Cách mạng tháng Tám, dẫn tới sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố với toàn thế giới ngày 2/9/1945. Ngoài ra, Đại tướng còn đóng góp cho sự nghiệp đoàn kết toàn dân trong cuộc kháng chiến vì độc lập và chủ quyền. Đây cũng là một phần của di sản bất diệt mà Đại tướng để lại cho các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên toàn thế giới.


Bài và ảnh: Quang Sơn


(P/v TTXVN tại Argentina)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN