ĐBSCL phấn đấu tăng trưởng GDP từ 11 - 12%/năm

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, để nâng cao mức sống của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời kỳ hội nhập, từ nay đến năm 2020, toàn vùng phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt từ 11 - 12%, trong đó tỉ lệ nông nghiệp chiếm dưới 40%, công nghiệp gần 30%, dịch vụ trên 30%.

 

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, từ nay đến năm 2020, ĐBSCL phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thâm canh dựa trên lợi thế của từng tiểu vùng; hình thành các vùng cây chuyên canh có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày. Phát triển mạnh các cây trồng làm nguyên liệu công nghiệp và chế biến thức ăn gia súc.

Nông dân huyện Thạnh Hóa (Long An) chuyển thóc mới thu hoạch đi phơi. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


ĐBSCL phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với hệ thống thủy lợi đa mục tiêu và chế biến song song với việc gắn sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái từng khu vực, trước hết là vùng rừng ngập mặn ven biển, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau. ĐBSCL phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp vừa và nhỏ, sớm khai thác tiềm năng khí vùng biển Tây Nam để phát triển công nghiệp khí - điện - đạm. ĐBSCL phát triển có hiệu quả các khu công nghiệp, vận tải biển; tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và chất lượng hàng nông thủy sản xuất khẩu, vật liệu xây dựng, phát triển mạnh công nghiệp cơ khí phục vụ nông ngư nghiệp. ĐBSCL phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch sinh thái, sông nước, đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, giao thương quốc tế. Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ để làm đầu mối, động lực cho toàn vùng phát triển.


Từ nay đến năm 2015, ĐBSCL sẽ đầu tư lớn đào tạo nhân lực, đổi mới máy móc, thiết bị, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Trước hết sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông thủy bộ, hệ thống thủy lợi phục vụ trồng lúa, màu, cây ăn trái, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dân sinh, phục vụ mở rộng sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, vùng cũng chú trọng hoàn chỉnh giao thông nông thôn vùng sâu, vùng xa, hình thành các tuyến trục dọc nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, nâng cấp tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; mở rộng, nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng sông. Sớm hoàn thành việc nâng cấp sân bay Trà Nóc tại Cần Thơ thành sân bay quốc tế; phát triển mạng lưới cấp nước sạch; điện sản xuất, sinh hoạt, viễn thông.


Để 200.000 hộ ở đây sinh sống an toàn, ổn định, ĐBSCL phát triển nhiều loại hình đô thị, hoàn chỉnh các cụm tuyến dân cư tại vùng lũ đồng thời đẩy mạnh phát triển giáo dục, nhanh chóng nâng cao mặt bằng dân trí; đẩy mạnh đào tạo nghề và đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ cao; nâng cấp và thành lập một số trường đại học, thành lập thêm một số trường cao đẳng, phấn đấu đến năm 2015 đạt mức ngang bằng với các vùng khác về giáo dục, đào tạo. Những vấn đề bức xúc về xã hội, trước hết là bảo vệ môi trường đất, nước, không khí... cũng được chú trọng giải quyết để cải thiện điều kiện sống cho người dân. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL cần chú trọng về giải quyết việc làm, bài trừ tệ nạn xã hội, xóa đói nghèo; hiện đại hóa các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, huyện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu về ung bướu, phụ sản, tim mạch, lao và bệnh phổi tại Cần Thơ.


Thế Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN