Kỹ năng sống - cả nhà cùng học: Kỳ 2

Dạy con không roi vọt

Những lớp học kỹ năng sống dành cho cha mẹ như “Kỷ luật không nước mắt”, “Cha mẹ tuyệt vời”... được ra đời nhằm giúp cha mẹ hiểu hơn về cách dạy con cái một cách hiện đại và gần gũi.


Bất lực trước con cái


Dường như triết lý “Thương cho roi cho vọt/Ghét cho ngọt cho bùi” của cha ông ta xưa kia không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay. Bởi thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã sử dụng đến cả roi vọt nhưng vẫn không thể khiến con nghe theo ý mình. “Tôi không thể kiềm chế được mỗi khi con không nghe theo ý mình. Con trai tôi năm nay 4 tuổi, mỗi lần đòi cái gì không được bé thường lăn ra ăn vạ và khóc, mỗi lần cho cháu ăn uống tôi vô cùng vất vả. Nhiều khi hết dỗ dành đến quát mắng mà cháu vẫn không chịu nín nên tôi đành dùng đến đòn roi, những tưởng bé sẽ sợ và lần sau không như vậy nữa. Nhưng càng ngày cháu càng “lỳ đòn” và trở nên bướng bỉnh hơn. Nhiều khi tôi cảm thấy bất lực trước con mình”, chị Thu (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.


 

Mỗi gia đình hãy nói không với bạo lực.

 

Chị Nguyễn Phượng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể câu chuyện của mình: “Con trai tôi năm nay 15 tuổi, đang ở độ tuổi dậy thì, cái tôi rất lớn và hay tự ái. Cháu thích làm những điều ngược lại với cha mẹ nói. Chẳng hạn bảo cháu đi quét nhà thì cháu bảo 5 phút nữa con làm, 5 phút sau tôi nhắc lại yêu cầu trên thì cháu tức giận nói: 'Mẹ thật lắm chuyện, con đang đọc truyện, con không thích làm' và bỏ đi ra ngoài”. Chị Phượng chia sẻ thêm, vì cháu đến tuổi dậy thì nên chị rất lo lắng về việc giáo dục giới tính, chuẩn bị sẵn tâm lý cho con đón nhận những thay đổi mà tuổi dậy thì mắc phải, kể cả chuyện “người lớn”.


Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên, diễn giả nổi tiếng với phương pháp “Kỷ luật không nước mắt” gây cơn sốt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua, cho biết: “Với mỗi độ tuổi, cha mẹ lại gặp những vấn đề khác nhau trong việc giáo dục và nuôi dạy trẻ. Nhưng điều cốt lõi là các bậc phụ huynh nên hiểu “Con luôn luôn tốt, chỉ có hành động là xấu”, bất kỳ đứa con nào cũng tuyệt vời theo cách riêng của bé mà không cần đến đòn roi”.


Kỷ luật không nước mắt


Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo, không có lý do nào có thể biện minh cho việc sử dụng bạo lực đối với trẻ em, dù về thể xác hay tinh thần. Những đứa trẻ bị tổn thương, chịu bạo lực bằng thể xác hay tâm hồn sẽ phát triển không bình thường, lớn lên cùng sợ hãi, giận dữ và thiếu tự tin vào chính mình, nguy hiểm hơn là các em sẽ nhìn nhận bạo lực là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề. “Việc cha mẹ áp dụng phương pháp dạy con đúng sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và phát huy được thế mạnh bản thân. Kỷ luật không nước mắt là cách giáo dục không bạo lực thể xác, không bạo lực tinh thần nhưng không có nghĩa là chiều chuộng mà là rèn luyện trong giới hạn và sự kiên trì”, Thạc sĩ Trần Ái Liên chia sẻ.


Thạc sĩ Ái Liên chỉ ra sự khác biệt: Khi cha mẹ Việt Nam luôn mong muốn con mình nghe lời bằng việc ra lệnh, còn cha mẹ phương Tây mong muốn con họ hợp tác qua việc thuyết phục, thương lượng bằng đối thoại hai chiều. Việc ra lệnh để răn đe, ép buộc sẽ dẫn đến trạng thái sợ hãi và chống đối ở trẻ, còn việc thương lượng, đối thoại sẽ cho trẻ quyền dân chủ, làm mọi việc một cách thoải mái và tự nguyện. Do đó, trẻ em phương Tây có phần tự tin và chủ động hơn nhiều so với trẻ em Việt Nam. “Quy tắc không thể từ một phía mà cần có sự thống nhất giữa cha mẹ và con cái. Hãy để trẻ có quyền được nói, chia sẻ và lựa chọn một cách dân chủ”, bà Liên cho biết.


Nhiều bậc phụ huynh than phiền việc quát mắng hay dùng đòn roi đều không có tác dụng với con họ, dù bị ăn đánh thì lần sau đứa trẻ tiếp tục tái phạm, lặp lại hành động. Về vấn đề này, thạc sĩ Ái Liên cho rằng, khi đứa trẻ hành động sai là chúng chưa hiểu quy luật nhân quả. Do đó, người lớn cần giải thích rõ cho trẻ hiểu, ví dụ trẻ ném đồ lên tường, cần giải thích rõ cho trẻ việc quăng đồ sẽ làm hỏng đồ và hỏng tường, đồng thời không quên đưa ra lời cảnh báo: “Nếu lần sau con làm như thế, con sẽ bị phạt” và đưa ra hình phạt thích đáng với sự đồng ý của trẻ. Lần sau trẻ vi phạm sẽ sử dụng hình phạt như đúng thương lượng, trẻ sẽ nhớ mà không tái phạm. Thạc sĩ Ái Liên cho rằng: Phạt không phải để làm con đau, không sợ, mà nên nhắc nhở nhẹ nhàng. Hãy để cho con của bạn nói thẳng thắn bày tỏ quan điểm một cách thoải mái. Chúng có quyền nói mong muốn bố mẹ làm thế này, làm thế kia...

Theo nhiều chuyên gia tâm lý thì việc giáo dục con cái tốt nhất chính là bố mẹ phải làm gương cho nhau và làm gương trước con cái. Chính người lớn cũng cần có quy tắc ứng xử với nhau trước con trẻ. Đồng thời, cha mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ có những trải nghiệm, khuyến khích trẻ có quyền lựa chọn và tự chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn của mình. “Khi trẻ được quyền lựa chọn, kể cả lựa chọn sai, thì bé vẫn có thể rút ra bài học cho riêng mình để lần sau có được những lựa chọn đúng hơn”, thạc sĩ Liên khẳng định.


Quỳnh Như - Thu Trang

 

Bài cuối: Học kỹ năng sống sao cho hiệu quả

Kỹ năng sống - cả nhà cùng học
Kỹ năng sống - cả nhà cùng học

Việc được tham gia các lớp học kỹ năng sống sẽ giúp trẻ vừa được chơi và vừa được học những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và giúp cho cha mẹ hiểu hơn về tâm sinh lý của con mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN