Dấu hiệu kinh tế phục hồi

Phân tích của Ngân hàng HSBC về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam khiến không ít người lo ngại vì chỉ số lạm phát (CPI) tháng 2/2014 tăng thấp nhất trong 5 năm qua. HSBC cho rằng: CPI tháng 2 yếu cho thấy các hoạt động kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng do yếu tố lòng tin của người tiêu dùng giảm (CPI tháng 2/2014, chỉ tăng 0,55% so với tháng 1/2014).


Tuy nhiên, có những ý kiến trái ngược với nhận định trên. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, và sự phục hồi này sẽ thể hiện rõ nét nhất từ giữa năm nay.


Tổng mức bán lẻ và dịch vụ tăng 12%


Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam của HSBC, lạm phát toàn phần tháng 2/2014 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009, cho dù tháng này có Tết Nguyên đán, thời điểm giá thực phẩm và một số mặt hàng cơ bản bị đẩy lên. Tuy nhiên, năm nay mọi việc lại khác. Ngoài chi tiêu vào thực phẩm, đa số người dân đều cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết như: quần áo và đồ dùng gia đình. HSBC cũng dự báo, lạm phát cơ bản (không tính đến giá thực phẩm và xăng dầu) sẽ còn giảm nữa khi nền kinh tế chưa có tín hiệu khởi sắc. “Điều đáng lo ngại là nếu đầu tư và chi tiêu thiếu hiệu quả trong thời gian quá dài thì nhiều thiệt hại và gây ra những hậu quả lâu dài", báo cáo của HSBC ghi rõ.

2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gần 12%.


Theo HSBC, nhu cầu đối với lao động bán chuyên đang tăng do dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhưng nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn yếu. Trong bối cảnh lượng lao động không chính thức tương đối (chiếm 23,5% tổng lực lượng) và có tới 82% người lao động không có bảo hiểm xã hội, các hộ gia đình có thể bị ảnh hưởng trước những “cú sốc” kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Điều này phản ánh rõ nét thói quen tiêu dùng cẩn trọng của người dân trong thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua, ngược hẳn với những gì đã diễn ra trong những năm trước.


Tuy CPI tháng 2/2014 có mức tăng thấp nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm vẫn đạt 474.086 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các nhóm đều tăng từ 10 - 20% so với năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá tốt so với nhiều tháng trở lại đây.“CPI thấp không phải do sức mua kém mà do sự điều hành chính sách tốt của Chính phủ và do cách chi tiêu của người dân tốt hơn. Không phải cứ thấp là thấy lo. CPI thấp sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định.


Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng: Khi nhìn vào chỉ số CPI, các chuyên gia, các thành viên Chính phủ cũng đặt vấn đề: Có phải cầu thấp, sức mua yếu khiến cho CPI tăng thấp. Câu trả lời là không hẳn như vậy. Có một số ý kiến cho hay: Thời gian qua, hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả phải chăng và sức mua, nhu cầu mua sắm của người dân trong thời điểm hiện nay cũng có giới hạn so với trước.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “Với việc CPI tháng 2/2014 tăng thấp nhất trong vài năm trở lại đây, nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực thì cho thấy, giá cả các mặt hàng ổn định, nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, nhìn góc độ tiêu cực thì thấy rằng, nền kinh tế còn khó khăn”.


Kinh tế sẽ khởi sắc hơn


Theo số liệu từ cơ quan thống kê, hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 21,06 tỷ USD, tăng 12,3% (2,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù đây là thời điểm trùng với các kỳ nghỉ Tết kéo dài song tốc độ tăng này là khá cao. Xuất khẩu tăng trưởng khá cũng đồng nghĩa với sản xuất công nghiệp hồi phục. Theo Tổng cục Thống kê: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2014 giảm 10,3% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 15,2% so với cùng kỳ (giảm kỳ nghỉ Tết kéo dài). Nếu tính chung hai tháng, IIP tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,4% cùng kỳ năm ngoái. Dấu hiệu phục hồi sản xuất càng trở nên rõ ràng hơn.


Ông Phương dự báo, 6 tháng cuối năm nay, nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn do kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khá hơn năm 2013, đặc biệt ở Mỹ và khu vực châu Âu những thị trường liên quan tới kinh tế Việt Nam. Đối với tình hình trong nước, hiện kim ngạch xuất khẩu đang tăng; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhiều cải thiện. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2 tháng đầu năm nay, mặc dù vốn FDI đạt trên 1,5 tỷ USD, bằng 37,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng bù lại vốn giải ngân lại khá tích cực, với 1,12 tỷ USD, tăng 6,7% với cùng kỳ năm 2013.


Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) cao hơn năm ngoái với mức 5,8% (GDP năm 2013 tăng 5,42%). Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi nền kinh tế. Theo dự kiến, CPI năm 2014 là 7%, cao hơn so với năm 2013 (CPI năm 2013 là 6,04%) thể hiện rõ việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng đầu tư công để “sưởi ấm” tổng cầu.


Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2014 tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn nhưng GDP sẽ được cải thiện nhờ duy trì tổng cầu hợp lý.

 

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN