Đào tạo nghề cho lao động DTTS còn nhiều bất cập - Bài 1: Chủ yếu đào tạo ngắn hạn

Trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), lao động dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong 5 đối tượng thuộc nhóm 1, được ưu tiên hỗ trợ dạy nghề. Tuy nhiên, đến nay số lao động DTTS được đào tạo nghề, có việc làm và thu nhập ổn định từ chính nghề được đào tạo, lại rất ít.

 

Bài 1: Chủ yếu đào tạo ngắn hạn

 

Cả nước hiện có gần 8 triệu đồng bào DTTS ở độ tuổi lao động, nhưng đến hết năm 2012, chỉ có khoảng 9,5% lao động DTTS được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956.


Có “cần”, không có “ao”


Quách Thị Hồng, dân tộc Khơ Mú, ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An, cho biết: “Em được đào tạo nghề may 3 tháng ở Trung tâm dạy nghề huyện. Nhưng ở huyện không có doanh nghiệp may mặc nào, nên em và nhiều người khác xuống thành phố Vinh xin việc. Xin nhiều nơi rồi, nhưng chưa nơi nào nhận, đành phải phụ bán bia trong thời gian chờ đợi”.

Các trung tâm đào tạo chủ yếu tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho các lao động.


"Tình cảnh" của Quách Thị Hồng không có gì khó hiểu với người dân nơi đây. Tương Dương là huyện miền núi, chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp. Toàn huyện lác đác một vài doanh nghiệp, nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên đất rừng, không có doanh nghiệp may mặc nào. Do vậy, việc mở lớp đào tạo nghề may cho lao động ở địa phương này chẳng qua là "mở cho có", chứ không căn cứ vào nhu cầu thực tế.


Tính đến hết năm 2012, cả nước có trên 836.600 lao động DTTS được đào tạo nghề. Kết quả này còn quá khiêm tốn bởi ở 63 tỉnh, thành vẫn còn hơn 7 triệu đồng bào DTTS trong độ tuổi lao động cần được đào tạo. Điều đáng nói là trong số lao động đã được đào tạo nghề, thì có tới hơn 90% được đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Với chương trình đào tạo ngắn hạn này, khi doanh nghiệp tiếp nhận lao động phải “tái đào tạo”. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp tốn kinh phí, mà nguồn ngân sách nhà nước đã chi ra để hỗ trợ học nghề cũng không hiệu quả.


Ông Lê Trọng Đại, Giám đốc Công ty Cổ phần may Halotexco (trụ sở tại đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Vinh), cho biết, công ty luôn cân nhắc khi tiếp nhận lao động được đào tạo theo các chương trình ngắn hạn từ ngân sách nhà nước. Đa số lao động thuộc diện này khi thử việc đều không đáp ứng được yêu cầu. Nếu có tiếp nhận thì công ty cũng phải dự trù thời gian, nguồn kinh phí để đào tạo lại cho công nhân.


Chính sách chồng chéo


Tương Dương là một trong những huyện nghèo có đông đồng bào DTTS được thụ hưởng chương trình đầu tư, hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do đó, ngoài Đề án 1956, lao động DTTS ở địa phương này còn được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ nhiều chính sách khác.


Theo ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, hiện trên địa bàn đang triển khai thực hiện gần 10 chính sách có liên quan đến hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS. Riêng đối với chính sách đào tạo nghề ngắn hạn, đã xuất hiện nhiều bất cập. Chẳng hạn, cùng đối tượng là DTTS, nhưng thụ hưởng chương trình hỗ trợ khác nhau, thì sẽ có chính sách khác nhau. Điều này vừa làm khó cho địa phương trong quá trình thực hiện, vừa không động viên được lao động theo đuổi các lớp đào tạo nghề.


Từ thực tế này có thể thấy rằng, việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động DTTS là một chủ trương đúng, nhưng hiện còn rất nhiều tồn tại. Đặc biệt, chương trình đào tạo ngắn hạn và sự chồng chéo của các chính sách hỗ trợ đào tạo ngắn hạn đã bộc lộ quá nhiều điểm yếu. Để đào tạo nghề cho lao động DTTS thực sự hiệu quả thì cần có một chính sách đặc thù; và chính sách đặc thù này có thể được xây dựng trên cơ sở gộp các chính sách hiện hành.


Bài và ảnh: Nhóm PV

Bài 2: Đầu tư thiếu trọng tâm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN