Dân vùng thủy điện Đăk Đrinh dời làng tránh lũ

217 hộ dân với gần 1.000 người ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là vùng ngập thuỷ điện Đăk Đrinh đã bắt đầu được di dời về vùng tái định cư mới.

Không mất đồng nào


“Tất cả sẵn sàng, hôm nay, chúng ta chia lực lượng thành 5 nhóm, mỗi nhóm phụ trách từng thôn. Các tổ trong nhóm phải phối hợp ăn ý để công việc triển khai nhanh, tránh chồng lấn. Dời nhà nào thì lấy phương tiện chở luôn, không chở ghép giữa các nhà mà lộn xộn. Dọn xong là chở đến vùng đất mới lắp ngay để dân an cư”, ông Đặng Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tổng chỉ huy cuộc di dân lịch sử này giao công việc cho các lực lượng tham gia.

Đoàn viên thanh niên tham gia dời nhà ông Đinh Văn Non ở thôn Xô Luông.


Trước cuộc di dân lịch sử này, ngay tối 7/9, lãnh đạo huyện và xã đã tổ chức họp thôn, làng để quán triệt công việc di dời nhà cửa khỏi vùng ngập để về khu tái định cư mới ở trên cao. “Mình là đảng viên, phải gương mẫu đi đầu để con cháu, mọi người noi theo. Với lại, chính quyền vận động mình lên nơi ở mới an toàn hơn sao lại không đi. Nhà cũ rồi cũng sẽ ngập, đi trước để ổn định, để bà con thấy làm theo. Ngoài ra, việc dời nhà sẽ giúp công trình sớm tích nước, phát điện để mọi cùng hưởng lợi. Tất cả phải vì việc chung”, ông Đinh Văn Non, gia đình đầu tiên được dời nhà trong sáng 8/7, tâm sự.
Để giúp dân dời nhà, huyện Kon Plông huy động được khoảng 500 lượt đoàn viên thanh niên của 3 lực lượng là xã, huyện và tỉnh (thanh niên tình nguyên ở các trường cùng lực lượng của Tỉnh đội Kon Tum và Sư đoàn 10) cùng tham gia. Huyện cũng đã thuê 10 xe tải để vận chuyển đồ cho dân, chưa kể phương tiện của các lực lượng tăng cường. “Trước mắt chúng tôi sẽ làm cuốn chiếu ở 3 thôn Vương, Xô Thác và Xô Luông vì đây là vùng di dời trắng với 150 căn nhà”, ông Nam cho biết. Ngoài ra, khi dời nhà, mỗi khẩu sẽ được hỗ trợ 30kg gạo/tháng. Mỗi nhà di dời sẽ được hỗ trợ 9 triệu đồng, trong đó có 3 triệu hỗ trợ di chuyển, 1 triệu để giúp dân làm lễ dời nhà... Ngoài ra, khi dựng nhà, chính quyền cũng hỗ trợ vật liệu như ngói, tôn, đinh, xà ben, xẻng… trong quá trình dời, di chuyển bị hư cũng được hỗ trợ mua mới. “Chúng tôi sẽ không để cho dân tốn bất cứ đồng nào trong quá trình di dời. Vật liệu huyện cũng hỗ trợ hết”, ông Nam khẳng định.

Trách nhiệm của chủ đầu tư


Vì sao một công trình thủy điện lớn trị giá gần 5.000 tỷ đồng được thi công trong thời gian dài nhưng công tác tái định cư cho dân lại quá chậm cho đến khi công luận lên tiếng, trong đó có báo Tin Tức?


Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh - chủ đầu tư của công trình đã làm lễ động thổ năm 2007 nhưng đến cuối năm 2011 chủ đầu tư cùng với UBND huyện Kon Plông mới tìm được tiếng nói chung. Trước đó, cả hai bên đã nhiều lần làm việc nhưng đều không thống nhất được. Chính quyền huyện Kon Plông yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo người dân đến nơi ở mới có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Các nhà mới tối thiểu phải đảm bảo được yêu cầu nông thôn mới. “Lúc đó họ quan niệm nhà mới đáp ứng yêu cầu nông thôn mới là trách nhiệm của chính quyền. Ngày đó, chủ đầu tư là liên doanh của 4 nhà thầu cho nên không ai chịu ai trước các yêu cầu trên” - một thành viên trong ban quản lý huyện cho biết.


Đến năm 2010, Tập đoàn Dầu khí tham gia chi phối (chiếm hơn 90% tổng vốn dự án) thì việc an cư cho dân mới được khởi động lại. “Từ cuối năm 2011, chúng tôi và chính quyền phối hợp rất tốt. Tuy nhiên, công tác quy hoạch nơi này gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện, vị trí địa lý ở vùng tái định cư nên chúng tôi phải lựa chọn phương án tối ưu nhất. Cuối cùng đến năm 2012 chúng tôi mới đạt thỏa thuận quy mô của dự án”- ông Vương Quý Thạch, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh thừa nhận.


Tuy vậy, hiện tại con đường tránh lũ dài 14 km, là con đường huyết mạch của 217 hộ dân tại nơi ở mới do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh chủ đầu tư 2 năm qua vẫn chậm so với yêu cầu của dự án. “Tôi đề nghị chủ đầu tư trong vòng 10 ngày nữa phải thông tuyến để tạo thuận lợi cho việc di dân đến nơi an toàn ”, ông Phó Chủ tịch UBND huyện chốt lại.

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN