Chuyện tăng, giảm chi phí quốc phòng của Mỹ

Theo nhiều nhà quan sát quân sự, để thấy rõ ngọn ngành của việc giảm đầy ấn tượng chi phí quốc phòng của Mỹ và ảnh hưởng của nó đến những thay đổi trong tổng chi phí quân sự của thế giới, người ta phải tính đến nhiều nhân tố cả bên trong lẫn bên ngoài.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (phải) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Martin Dempsey điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ về vấn đề chính sách quốc phòng ngày 5/3. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong những thập niên qua, chi phí quân sự của Mỹ đã tiến triển theo những sự thay đổi địa chính trị thế giới, bản chất của những mối đe dọa mới ảnh hưởng đến nước Mỹ cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhớ lại, nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Bill Clinton có đặc điểm là thực hiện một chiến lược an ninh quốc gia mới, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường vai trò lãnh đạo quân sự của Mỹ và xúc tiến một chính sách cam kết rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.

 

Mục đích là áp đặt vai trò lãnh đạo ngoài các đường biên giới của mình để bảo đảm an toàn trong nước thông qua việc tăng cường quân sự ở cấp quốc gia. Chính vì thế mà từ năm 1998 - 1999, chi phí quân sự của Mỹ đã tăng đáng kể. Năm 2001, với việc lên cầm quyền của George W. Bush thuộc đảng Cộng hòa và việc tiến hành “cuộc chiến tranh chống khủng bố” sau sự kiện ngày 11/9, việc tăng chi phí quân sự của Mỹ lại được đẩy mạnh. Cuộc chiến tranh ở Afghanistan, bắt đầu vào năm 2001 và cuộc chiến tranh ở Iraq bắt đầu vào năm 2003 cũng đã góp phần vào việc tăng này.


Trước đó, việc bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và việc Liên Xô tan rã đã đánh dấu sự mở đầu một kỷ nguyên mới được các nhà lãnh đạo Mỹ coi là kỷ nguyên hòa dịu. Mặc dù Mỹ đã tỏ thái độ thận trọng trước một sự mở đầu thập niên được đánh dấu bằng nhiều cuộc khủng hoảng và những nguy cơ khác nhau, cũng như cuộc chiến tranh vùng Vịnh, việc chấm dứt cuộc đối đầu Đông - Tây đã buộc Mỹ phải giảm chi phí quân sự vì quy mô của lực lượng quốc phòng Mỹ cũng giảm. Chiến lược quân sự mới này của Mỹ được thực hiện vào năm 1993, năm đã đánh dấu sự chuyển giao quyền lực giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ với việc lên cầm quyền của Bill Clinton, và quốc phòng được đẩy xuống hàng thứ hai sau kinh tế, dẫn đến việc giảm chi phí quân sự lớn của Mỹ.


Theo thống kê, chi phí quân sự của Mỹ từ 527 tỷ USD năm 1990 giảm khoảng 28%, xuống còn 378 tỷ USD năm 1998, là năm có chi phí quân sự thấp nhất trong thập niên. Tuy nhiên, với việc thực hiện chiến lược an ninh quốc gia mới của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1997, từ năm 1998 đến 2001, chi phí quân sự của Mỹ tăng trung bình hàng năm 1,6%. Từ 2001 - 2010, việc tăng này được đẩy mạnh và đạt tỷ lệ tăng trung bình hàng năm 6,8%. Trong suốt hai năm đầu nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Barack Obama, chi phí quân sự của Mỹ tiếp tục tăng và đạt đỉnh cao là 720 tỷ USD năm 2010. Từ năm 2010, với việc bắt đầu rút quân khỏi Iraq, một chu trình giảm mới chi phí quân sự đã được bắt đầu, và việc giảm này sẽ còn kéo dài trong những năm tới do Mỹ mới ban hành đạo luật kiểm soát ngân sách hồi 2011, theo đó sẽ giảm mạnh chi phí công.


Điều đáng nói là tuy giảm như vậy, nhưng trên thực tế, chi phí quân sự của Mỹ hiện vẫn cao hơn so với những năm cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh. Năm 1990, Mỹ là nước có chi phí quân sự cao nhất thế giới, tiếp theo là Liên Xô, Đức, Pháp và nước Anh. Vào năm đó, tuy đứng ở vị trí thứ hai sau Mỹ, song chi phí quân sự của Liên Xô chỉ bằng 55% chi phí quân sự của Mỹ. Năm 2012, đối thủ chính của Mỹ về chi phí quân sự là Trung Quốc, tiếp theo là Nga, Anh quốc và Nhật Bản. Cũng là đứng thứ hai, song vào năm đó, chi phí quân sự của Trung Quốc chỉ bằng 24% chi phí quân sự của Mỹ.


Phạm Phú Phúc (Theo tờ ”Chính trị thế giới”)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN