Chuyện con cái của người Australia

Người Australia thích có nhiều con. Tuyệt nhiên không phải vì lý do để thờ tự, cũng chẳng phải thừa tự, mà đơn giản bởi họ yêu con trẻ, thích vui cửa vui nhà, hoặc cho đất nước... đông hơn như lời kêu gọi của chính phủ.

 

Quan niệm về sự yên vui


Người Australia không có quan niệm nặng nề trong vấn đề con cái, vì vậy có con hay không, có như thế nào đều không thành vấn đề. Vì thích có con là... đẻ, nên mới không hiếm cảnh nhiều gia đình trong diện hưởng trợ cấp khó khăn mà vẫn năm bảy con. Cũng có lắm trường hợp người Australia đẻ con để nhận thêm trợ cấp. Còn lại phần lớn các gia đình trẻ đều có và dự định có từ 3 con trở lên. Tình trạng con bồng con bế đúng như biệt danh “xứ sở chuột túi”: Con ẵm đằng trước, con địu đằng sau, con xe đẩy tầng trên, con nằm chơi tầng dưới.

Các gia đình Australia thường thích đông con.


Nhưng có một thực tế là dù “sở hữu” dăm bảy đứa con thì khi tuổi xế chiều, các ông bà già vẫn sống một mình hoặc vào nhà dưỡng lão. Chính vì vậy chẳng có sự khác biệt gì ghê gớm giữa người có con và người hiếm muộn tại Australia.


Tôi đã gặp khá nhiều người Australia, từ trung niên đến lão niên, những người thích nhưng không thể có con. Tinh thần chung của họ là vẫn vui vẻ và chẳng lấy gì làm tiếc vì sự hiếm muộn đó. Thay vào đó, họ tìm niềm vui cuộc sống ở những chú thú cưng. Hoặc nhiều phụ nữ lấy công việc làm vui khi trời phú cho sức khỏe, khi về nhà lại vui sống với ông chồng già. Cuộc sống với họ thế là mãn nguyện.


Với những gia đình trẻ, họ thường đi nhận con nuôi. Trước đây, người Australia thường đi nhận con nuôi ở nước khác vì các thủ tục ở trong nước rất rườm rà, nhiêu khê, thường phải mất trung bình gần 6 năm mới được toại nguyện. Nhưng gần đây, Australia đã thực hiện cải cách trong lĩnh vực này nên thời gian rút ngắn chỉ còn 8 - 10 tuần.


Thụ tinh nhân tạo cũng rất phổ biến tại Australia. Dù nhu cầu về tinh trùng ngày một tăng cao, song tỷ lệ hiến tặng tinh trùng ở Australia lại rất thấp và nhiều cặp vợ chồng buộc phải xin tinh trùng từ các nước khác. Khi luật mới quy định người hiến tinh trùng phải khai tên tuổi, số người hiến tặng càng giảm đi rõ rệt.


Luật và cuộc sống


Bốn năm trước, Ross Hunter phát hiện thực ra mình là sản phẩm thụ tinh nhân tạo. Ở tuổi 36 hiện nay, anh vẫn muốn biết về người cha sinh học của mình. Hunter tâm sự anh có thể vui sống mà không cần biết về nguồn gốc, nhưng bản năng vẫn khiến anh muốn tìm gặp người mà trông mình rất giống người đó. Chỉ đơn giản là vậy.


Mong muốn của Hunter rất khó thực hiện vì tại Australia, luật pháp từng quy định bảo mật mọi thông tin về người hiến tinh trùng. Việc này nhằm bảo vệ quyền của người hiến tặng và tránh những rắc rối nảy sinh về sau. Chính vì vậy, khả năng tìm ra người hiến tặng tinh trùng phụ thuộc vào thời điểm khi nào và ở đâu người ta nhận tinh trùng. Nếu nhận sau năm 1988 ở bang Victoria, người nhận có thể tìm thấy thông tin của người cho. Ở các bang còn lại, các quy định chấm dứt “hiến tặng ẩn danh” chỉ được thực hiện vào khoảng năm 2000. Vậy là xuất hiện sự bất công đối với những người sinh ra trước khi quy định có hiệu lực và những người sinh ra sau đó.


Người Australia cũng thích việc mướn đẻ con. Nhưng tại đây, đẻ thuê là bất hợp pháp. Trước đây, người Australia thường rủ nhau tới Ấn Độ, nơi ngành công nghiệp đẻ thuê không được kiểm soát và đã cho ra đời hàng trăm em bé cho người Australia mỗi năm. Tuy nhiên, luật ở Ấn Độ đã được siết chặt trước Giáng sinh năm ngoái. Vì vậy, các gia đình trẻ ở Australia lại phải đổ xô đi tìm “cửa” khác vừa rẻ vừa thuận tiện. Điều này cũng góp phần khiến các đường dây để thuê ngày càng phình to.


Bài và ảnh: Đỗ Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN