Chưa tách bạch rõ nét

Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải gắn với đổi mới về cơ chế quản lý theo hướng phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích.

 

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các nông, lâm trường khi chuyển đổi làm nhiệm vụ kinh doanh thì phải chuyển hẳn sang sản xuất và hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường. Những nông, lâm trường đã chuyển sang kinh doanh thì phải đảm nhận chức năng xã hội và an ninh, quốc phòng. Có như vậy thì Nhà nước mới có chính sách hỗ trợ thích hợp.

 

Chăm sóc thông cổ hai lá dẹt trong nhà kính tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm lâm sinh tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Nông, lâm trường được giao nhiệm vụ công ích là chủ yếu thì sẽ hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ích.


Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Việc chuyển đổi các nông, lâm trường quốc doanh sang các công ty TNHH một thành viên lâm, nông nghiệp vẫn chưa tách bạch giữa nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Cũng do chưa tách bạch rõ giữa nhiệm vụ kinh doanh và công ích đối với loại hình doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nên một số công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người phải đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ liên quan đến dân sinh, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn. Từ đó dẫn đến hoạt động hiệu quả thấp, không theo kịp với cơ chế thị trường.


Ngay tại Đắk Lắk, hiện nay sau khi chuyển đổi có 15 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp nhưng thực tế hầu hết đều hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Ông Trang Quang Thành kiến nghị: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần xem xét chuyển các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, không có năng lực quản lý bảo vệ rừng thì giải thể, chuyển giao rừng, đất rừng lại cho các địa phương để giao rừng, đất rừng cho nhóm hộ, cộng đồng, hộ gia đình quản lý. Thậm chí, giao rừng, đất rừng cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, năng lực quản lý để tổ chức quản lý, bảo vệ rừng…”.


Ðể khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, các nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực này đề xuất, cần có bước đột phá tạo sự thay đổi cơ bản về quản trị doanh nghiệp, trước hết về quản lý sử dụng đất, vốn, tài sản tại doanh nghiệp... Thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục quá trình rà soát sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng để ổn định quản lý đất, rừng và sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 28, tăng cường hoạt động dịch vụ hỗ trợ các hộ dân làm rừng. Những diện tích đất gần khu dân cư cần xem xét để cắt chuyển giao cho hộ dân tại chỗ để giải quyết nhu cầu đất sản xuất nhằm đồng bộ hơn về chính sách, pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách về quản lý đất đai, bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, quy hoạch quản lý sử dụng đất của Quốc hội.

 

VT - QH

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN