Chống thất thu thuế trong kinh doanh cà phê

Trước tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh cà phê nói riêng và nông sản nói chung đang diễn ra tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị các địa phương tăng cường quản lý việc thu thuế trong lĩnh vực này và mạnh tay xử lý doanh nghiệp “ma”.

Chủ doanh nghiệp là… lái xe ôm


Tình trạng thất thu thuế diễn ra “nóng” nhất trong lĩnh vực kinh doanh cà phê tại Lâm Đồng và Đắk Lắk. Theo phản ánh của hai địa phương này, trong niên vụ cà phê 2012 - 2013, có một số đơn vị, tổ chức thu mua cà phê, vận chuyển hàng ra ngoài địa bàn tỉnh mà không có hóa đơn, chứng từ; có hiện tượng các doanh nghiệp cấu kết với nhau, mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp mua hàng của nông dân nhưng sử dụng hóa đơn không hợp pháp của doanh nghiệp ngoài tỉnh, rồi "bán ngược" cà phê lên các “vựa” cà phê tại hai tỉnh này. Đây là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế và được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho Nhà nước.

Phơi cà phê chất lượng cao tại Công ty Cà phê xuất khẩu Thắng Lợi (Đắk Lắk). Ảnh: Quang Huy - TTXVN


Theo Tổng cục Thuế, một trong những nguyên nhân khiến số thuế thu từ hoạt động kinh doanh cà phê năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013 giảm so với năm 2011 là tình trạng gian lận thuế. Các cơ sở thu mua cà phê không lập bảng kê theo quy định mà mua bán cà phê không có chứng từ hóa đơn, rồi mua hóa đơn của các doanh nghiệp “ma” để hợp thức hóa chứng từ và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Nhiều trường hợp doanh nghiệp của Lâm Đồng xuống TP Hồ Chí Minh lập doanh nghiệp “ma” để in hóa đơn tại đây. Khi lực lượng chức năng của tỉnh xuống tận nơi kiểm tra mới phát hiện ra chủ doanh nghiệp là… lái xe ôm. Ngoài ra, còn có cả một số doanh nghiệp không kinh doanh cà phê nhưng vẫn xuất hóa đơn bán cà phê về Lâm Đồng.


Ông Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh, những thủ đoạn này đã làm Nhà nước thất thu thuế ở cả 3 phương diện: Hàng tại chỗ sản xuất ra, bán hàng không thu được thuế; nơi xuất hóa đơn như TP Hồ Chí Minh không thu được thuế nhưng đến Lâm Đồng lại được khấu trừ; khi xuất khẩu lại được hoàn thuế. “Tình trạng này khiến các doanh nghiệp cà phê làm ăn đứng đắn ở Tây Nguyên đang chết dần và sẽ sớm phá sản. Các doanh nghiệp trốn thuế thường mua cà phê với giá cao hơn, bởi họ trốn được thuế với số tiền 2.000 đồng/kg” - ông Yên cho biết.

 

Mạnh tay “xử” doanh nghiệp “ma”


Ông Lê Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, thừa nhận có tình trạng doanh nghiệp “ma” hoạt động trên địa bàn thành phố. Tuy số doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 5 - 6% tổng số doanh nghiệp đăng ký nhưng khiến việc quản lý thu thuế tại địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trần Hiếu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ đều cho rằng, việc cần làm ngay là chấn chỉnh hoạt động đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo ông Phùng Ngọc Mỹ, các Sở Kế hoạch - Đầu tư cần xem lại quy trình cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, rà soát thật kỹ hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp vốn điều lệ chỉ có 1 tỷ đồng mà đăng ký kinh doanh 15 - 20 ngành nghề. “Chưa tính đến doanh nghiệp “ma”, loại doanh nghiệp nửa thật nửa giả này cũng rất đáng lo. Họ chỉ kinh doanh, đóng thuế ở vài lĩnh vực chính, còn đăng ký các ngành nghề khác chủ yếu là để lấy hóa đơn” - ông Mỹ nhận định.


Ông Trần Hiếu cho biết, có hiện tượng sử dụng giấy CMND giả để thành lập doanh nghiệp. Trước thực tế này, đại diện các địa phương và ngành thuế đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, kiểm soát, kể cả hậu kiểm sau khi cấp giấy phép kinh doanh để khắc phục cho được việc thành lập doanh nghiệp “ma”; xử lý mạnh tay đối với các doanh nghiệp vi phạm.


Để kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng gian lận trong hoạt động kinh doanh cà phê, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương thông báo tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp có xuất hóa đơn bán cà phê cho các doanh nghiệp kinh doanh hoặc xuất khẩu cà phê; kiểm tra, xác minh, đối chiếu hóa đơn bán cà phê khi được Cục Thuế các tỉnh Tây Nguyên đề nghị và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.


Hoàng Liên Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN