Chống lãng phí, phải từ việc nhỏ nhất!

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) tại phiên họp 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa bế mạc tại Hà Nội, sau khi nhấn mạnh lãng phí đang trở thành quốc nạn và sự thiệt hại chẳng kém gì tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta có đầy đủ hệ thống Đảng, đoàn thể, cơ quan kiểm tra, mà các vụ lãng phí lớn đều do người dân, báo chí phanh phui, hoặc do đấu đá nội bộ mà lộ tẩy? Câu hỏi của người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân cũng là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

 

Có 1001 câu hỏi về căn nguyên của căn bệnh lãng phí. Cũng có từng ấy lý do bao biện cho hành vi lãng phí, mà cách phổ biến nhất là đổ lỗi cho tập thể, cho khách quan... Điều dư luận quan tâm lúc này là mặc dù đã có luật, nhưng tại sao căn bệnh này vẫn có đất phát triển, trở thành một thách thức lớn, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với chính quyền. Nếu như tham nhũng chỉ xảy ra ở một số nơi, ở một số cán bộ trong cơ quan công quyền, liên quan đến thủ tục hành chính, tài chính, quản lý dự án hay xây dựng cơ bản... Lãng phí thì hoàn toàn khác, nó xảy ra ở mọi lĩnh vực, mọi thành phần xã hội, như chi tiêu tiền công vào việc riêng, xây dựng các công trình tốn kém nhưng không hiệu quả, lãng phí đất đai, tài nguyên, chi tiêu hội hè, liên hoan, họp hành, tham quan khảo sát nước ngoài, mua xe con vượt quá tiêu chuẩn; các hoạt động trong dân như ma chay cưới hỏi, tổ chức quá nhiều lễ hội gây tốn kém...


Cũng như phòng chống tham nhũng, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm đòi hỏi những giải pháp cấp bách và lâu dài. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan nhà nước và sự đồng thuận của người dân trong việc tẩy trừ tệ nạn này. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chống lãng phí, thực hành tiết kiệm gắn với cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân thì việc điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia cần phải được coi là nhiệm vụ cấp bách. Giải pháp cơ bản vẫn phải bắt nguồn từ khâu cán bộ. Ngoài việc giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ chặt chẽ, cần kiên quyết loại bỏ những cán bộ cơ hội, luồn lọt, chạy chức, chạy quyền... bởi nếu trao quyền cho họ thì căn bệnh lãng phí, tham nhũng sẽ có cơ hội trỗi dậy và phát triển. Bên cạnh đó, cần phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân khi để xảy ra lãng phí, không thể đùn đẩy trách nhiệm, đá bóng sang sân người khác.


Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi căn bản, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí. Bởi ngoài xác định rõ chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí cho từng bộ, ngành, địa phương, dự án Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí.


Hãy chống lãng phí từ những việc làm cụ thể, dù là nhỏ đồng thời cũng cần thay đổi tư duy và lối sống để góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức và văn hóa phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN