Chống khủng hoảng bằng đào tạo tại chỗ

Những năm gần đây, thành công của Barcelona được biết đến là dựa vào lò đào tạo của chính họ. Trong tay HLV Tito Vilanova hiện có 15 cầu thủ xuất thân từ lò La Masia. Nhưng Barca không phải là một trường hợp ngoại lệ ở Tây Ban Nha.


 

Real Sociedad là một hiện tượng của La Liga mùa này. Họ đang xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng, chỉ sau mỗi Barca, Real Madrid và Atletico Madrid. Càng bất ngờ hơn khi đội hình hiện tại của Sociedad có tới 16 cầu thủ được đào tạo tại chỗ.


Nhưng Barca hay Sociedad vẫn chưa thể so sánh với Athletic Bilbao. Đây là một đội bóng điển hình về “chủ nghĩa địa phương”, khi họ chỉ tuyển mộ cầu thủ sinh ra tại xứ Basque. Mùa này, 20 cầu thủ bản địa đang có mặt trong đội hình chuyên nghiệp của Bilbao.


Theo HLV của Sociedad, Philippe Montanier, công tác đào tạo trẻ của bóng đá Tây Ban Nha đang gặt hái được những thành công như hiện nay là vì một lý do đơn giản: Họ ưu tiên chất lượng kỹ thuật hơn là sức mạnh thể lực.


Ba ví dụ rõ dàng nhất là Andres Iniesta, Xavi Hernandez và Sergio Busquets. Các cầu thủ này đang trải qua những tháng ngày vinh quang cùng với Barca và đội tuyển Tây Ban Nha, nhờ lối chơi chuyền bóng một chạm đầy tốc độ và quyến rũ.


“Cách đào tạo của người Tây Ban Nha đi ngược với của người Pháp”, Montanier đánh giá, “Yếu tố quan trọng trong công tác tuyển chọn của người Tây Ban Nha là sự thông minh trong lối chơi. Tại Pháp, các buổi tập thường được đòi hỏi rất cao và kỷ luật. Nhưng sự khắc nghiệt này khiến các cầu thủ trẻ, khi lên đến độ tuổi 18 hay 19, họ có thể quên mất tình yêu bóng đá”.


Vào thời buổi khủng hoảng tài chính hiện nay, việc đào tạo tại chỗ càng là một giải pháp đúng đắn đối với hầu hết các CLB Tây Ban Nha. Theo điều tra của Công ty Prime Time Sport, có trụ sở tại Barcelona, các đội bóng La Liga chỉ tiêu 12,3 triệu euro trong kỳ chuyển nhượng tháng 1 vừa qua. Nếu tính cả khoản tiền được đầu tư trong hè 2012, con số chi của La Liga giảm 62% so với năm trước, dừng ở mức 140 triệu euro. Đây là con số thấp nhất trong 5 năm qua.


Để so sánh, mức chi của 20 đội bóng La Liga trong kỳ chuyển nhượng hè 2012 và mùa đông 2013 không bằng của một mình Paris Saint-Germain. “Nhà giàu mới nổi” của bóng đá Pháp đã chi khoảng 250 triệu euro trong 2 kỳ chuyển nhượng trên.


Mức chi vào thị trường chuyển nhượng giảm, các đội bóng Tây Ban Nha chuyển sang hình thức mượn cầu thủ hoặc tìm kiếm những cầu thủ tự do, tức là họ chỉ phải lo trả lương là xong. Tuy nhiên, nguồn lực lớn nhất khiến chất lượng của La Liga vẫn được đảm bảo trong thời buổi “bão giá” nằm ở chính từng CLB.

 

Theo đó, con số cầu thủ được đào tạo tại chỗ ở La Liga đã tăng từ 137 cầu thủ ở mùa giải 2010-2011 lên thành 155 cầu thủ ở mùa giải này.
Malaga nằm trong số các đội bóng quyết định tập trung cho việc đào tạo tại chỗ. Để thực hiện kế hoạch này, đội bóng vùng Andalucia đã mời Manuel Casanova về từ Espanyol cách đây 2 năm, với mục tiêu là gây dựng một trung tâm đào tạo giống như của Barca hay Bilbao. Với một đội bóng đang mất cân bằng thu chi nghiêm trọng như Malaga, đây chính là một giải pháp để họ tháo gỡ khủng hoảng.

 

B.A

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN