“Cháy nhà” ra “nội gián” kiểm lâm

Vụ phá rừng xảy ra tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đang gây xôn xao dư luận cả nước. Không giống những vụ phá rừng thông thường xảy ra trong thời gian gần đây, mà vụ phá rừng ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có dấu hiệu cán bộ của vườn quốc gia này làm nội gián cho lâm tặc. Hệ quả, có tới 18 ha rừng với trữ lượng 1.773 m3 gỗ đước của vườn quốc gia vốn được coi là khu Ramsar thế giới (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng về bảo tồn, được Tổ chức Môi trường thế giới công nhận là khu Ramsar mới của thế giới) bị triệt hạ.


Đáng mừng là lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã thể hiện thái độ làm rõ vụ việc, xử lý kiên quyết đối với đơn vị, cá nhân vi phạm, trước hết việc cách chức Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trại Xẻo - Trương Thanh Tâm và Trạm phó Trần Thái Sanh; Công an huyện Ngọc Hiển cũng tiến hành khởi tố vụ án. Tuy nhiên, dư luận đặt nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của ban lãnh đạo vườn quốc gia này, khi để vụ việc xảy ra kéo dài, không phải một vụ, mà nhiều vụ rải đều trên toàn bộ lâm phần vườn quốc gia, mức độ nghiêm trọng vụ sau lớn hơn vụ trước... Hậu quả từ những vụ tàn phá rừng tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thật khôn lường, ấy vậy mà lãnh đạo vườn quốc gia này lại không báo cáo với UBND tỉnh và các ngành liên quan để có biện pháp truy quét, ngăn chặn.


Đã có rất nhiều bài học đau lòng về việc kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, gây hậu quả nghiêm trọng. Cách đây chưa lâu, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh (gần biên giới Việt - Lào) với hàng chục đối tượng liên quan và gần 800 m3 gỗ bị tịch thu. Sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, đã lộ tẩy một số kiểm lâm, chủ rừng - những người được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhưng lại tối mắt vì đồng tiền mà tiếp tay cho lâm tặc... Rồi vụ cơ quan chức năng phát hiện cán bộ kiểm lâm trực tiếp áp tải xe chở gỗ lậu bị lật ở Pù Huột, xã Bình Chuẩn (Con Cuông, Nghệ An) khiến 10 người tử vong.


Theo thống kê của ngành kiểm lâm, trung bình mỗi năm cả nước mất gần 32.000 ha rừng, mà trên 90% trong số diện tích rừng bị mất mỗi năm xuất phát từ sự yếu kém trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Từ vụ vận chuyển gỗ lậu ở Pù Huột, vụ phá rừng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), đến vụ phá rừng xảy ra tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau..., có thể thấy hành động tiếp tay cho lâm tặc của một bộ phận cán bộ kiểm lâm đã gây những hậu quả khôn lường. Lâm tặc đã biến họ thành lá chắn, là chỗ dựa để bòn khoét tài nguyên rừng một cách không thương tiếc. Lợi nhuận thu được từ những vụ khai thác rừng bất hợp pháp thì rơi vào túi một vài cá nhân, nhưng hệ lụy của nạn chặt phá rừng bừa bãi (môi trường bị phá hủy, lũ ống, lũ quét...) thì cả xã hội phải gánh chịu.


Không thể phủ nhận, thời gian qua, ngành chủ quản cùng các địa phương đã có nhiều nỗ lực ngăn ngừa tình trạng xâm hại tài nguyên rừng. Có không ít những tấm gương kiểm lâm đã dũng cảm hy sinh trong cuộc đấu tranh với lâm tặc để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, cũng có không ít những kiểm lâm thoái hóa, biến chất, trở thành những lâm tặc nguy hiểm.


Tội phá rừng được cha ông liệt vào hàng số một “nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá”, nhưng mức độ nguy hại có lẽ sẽ gấp trăm, gấp nghìn lần khi những kẻ phá rừng lại ẩn náu dưới danh nghĩa kiểm lâm. Đây là sự cảnh báo đối với chính quyền cơ sở và ngành Kiểm lâm về công tác quản lý đối với những người được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, một tài nguyên vô giá của đất nước.

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN