Chăn nuôi gia cầm “vạ lây” vì dịch cúm: Lao đao vì hàng ế, giá giảm

Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi phải đối mặt với khó khăn từ nhiều phía. Đặc biệt, gần đây nhất, thông tin dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc có nguy cơ lây lan sang nước ta đã tác động tới tình hình chăn nuôi của nhiều địa phương...

Trang trại chăn nuôi gia cầm theo qui trình khép kín, an toàn sinh học của một hộ dân ở xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Cùng với nguy cơ dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc có nguy cơ lây lan sang nước ta thì tại một số tỉnh trong nước đang xuất hiện dịch cúm A/H5N1, H1N1 trên đàn gia cầm và chim nuôi. Điều này đã khiến thị trường gia cầm trong khoảng nửa tháng gần đây trở nên trầm lắng, kéo theo đó là người chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao.

Theo một số người chăn nuôi gia cầm, hằng năm cứ vào khoảng tháng 5, tháng 6, sức tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm mới giảm do nắng nóng, nhưng năm nay ngay từ tháng 4, mặt hàng này đã tiêu thụ rất khó khăn do nhiều loại dịch cúm đang hoành hành.


Gần một tháng nay, bà Hạnh, một chủ hộ trang trại gà ở xã Tam Tiến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) mất ăn mất ngủ vì lượng khách đến lấy hàng giảm mạnh. “Do được phòng ngừa tốt nên đàn gia cầm của chúng tôi rất khỏe mạnh. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây, giá bán gia cầm giảm sút, đã thế hàng bán rất chậm”, bà Hạnh than thở.


Theo bà Hạnh, chừng khoảng một tháng trước, mỗi tối có ít nhất 10 thương lái về trang trại của bà nhập gà, mỗi lần họ nhập chừng 2 tấn gà. Nhưng mấy ngày hôm nay chỉ lèo tèo vài ba khách về lấy hàng, mà họ cũng chỉ nhập vài tạ. Giá gà ở đây đang giảm mạnh. Trước đây, mỗi kg gà được bán với giá từ 58.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 47.000 - 48.000 đồng/kg.


Những hộ chăn nuôi ở đây cho biết, mức giá này không thể đủ bù cho các chi phí đầu vào như: thức ăn, tiêm phòng... nên người chăn nuôi cầm chắc thua lỗ. “Cứ nuôi 1.000 còn gà thì chúng tôi lỗ chừng 20 triệu đồng”, bà Hạnh cho biết.


Trang trại của bà Hạnh đang nuôi khoảng 5.000 con gà thịt. Bà Hạnh cho biết thêm: “Cũng may là gia đình tôi không phải thuê nhân công. Chứ nếu phải trả tiền công cho người làm nữa thì chỉ có nước phá sản. Trong xã Tam Tiến, hiện nhiều hộ đã phải giảm quy mô chăn nuôi”, bà Hạnh nói.


Đại diện Công ty cổ phần Giang Sơn, xã Đồng Tâm cho biết, khi chưa có dịch cúm A/H7N9 bùng phát ở Trung Quốc, mỗi ngày công ty xuất 3 chuyến gà lông, bình quân 6 - 7 tạ/chuyến đi các tỉnh, nhưng nay 2 - 3 ngày mới xuất được một chuyến. Lượng gà giết mổ cung cấp cho các siêu thị cũng giảm mạnh. Theo Trạm Thú y huyện Yên Thế, từ ngày 10/4 đến 17/4, toàn huyện chỉ xuất bán được gần 170.000 con gà.


Lượng tiêu thụ gà giảm trong khi nguồn cung vẫn dồi dào khiến giá gà các loại giảm rõ rệt: gà công nghiệp hiện chỉ còn 27.000 đồng/kg; gà mía lai tại Yên Thế 52.000 - 53.000 đồng/kg; gà ri lai 65.000 - 70.000 đồng/kg.


Bộ NN&PTNT cho biết, hiện việc tái đàn của các hộ chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn. Tính đến tháng 4, đàn gia cầm cả nước giảm 2 - 3% so với cùng kỳ năm 2012.

Không chỉ có những trang trại nuôi gà thịt lao đao mà những hộ bán gà giống cũng đang gặp nhiều khó khăn. Anh Mạnh, một chủ cơ sở gà giống cùng xã cho biết: “Giá gà giống bây giờ trên thị trường chỉ còn từ 3.000 - 3.500 đồng/con, trong khi đó, cách đây một tháng là 8.000 - 8.500 đồng/con. May mà chúng tôi có mối quan hệ tốt với các chủ trang trại nuôi gà lớn trong tỉnh nên mới bán được với giá 5.000 đồng/con. Dù bán được với mức giá này, nhưng tháng 4 vừa rồi, gia đình tôi vẫn lỗ gần 50 triệu đồng”.


Trong khi đầu ra khó khăn, giá gà, trứng giảm thì giá nhiều sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... vẫn tiếp tục tăng. Trong năm 2012, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 4 lần. Cụ thể, giá thức ăn hỗn hợp cho gà đã tăng 4,7% và hỗn hợp cho lợn tăng 4,8%.
Giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam đang cao hơn giá sản phẩm cùng loại tại Thái Lan, Inđônêxia, Đài Loan (Trung Quốc) đến 20%. Bà Hạnh cho biết, cụ thể, từ tháng 8/2012 đến nay, giá cám đã 5 lần tăng. Hiện nay, giá cám ở mức từ 13.000 - 13.500 đồng/kg. Một lứa gà khoảng 1.000 con, nếu nuôi trong 3 tháng, cách đây chừng một tháng, gia đình bà chỉ mất khoảng 65 triệu đồng tiền cám, nhưng bây giờ thì phải cần tới hơn 70 triệu đồng.


Bộ NN&PTNT cho biết, thông thường sau Tết Nguyên đán, người chăn nuôi sẽ tái đàn, mở rộng quy mô; nhưng năm nay do khâu tiêu thụ gặp khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tăng nên nhiều cơ sở và các hộ gia đình đã thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng nuôi. Các chuyên gia lo ngại, tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu thực phẩm, các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi cũng sẽ rơi vào cảnh thua lỗ vì không thể tiêu thụ được sản phẩm.

Mạnh Minh

Gỡ khó cho người chăn nuôi

Chia sẻ khó khăn với người nuôi, ngành NN&PTNT một mặt đang tập trung các giải pháp phòng dịch; mặt khác, khuyến cáo người chăn nuôi giảm bớt chi phí đầu vào và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN