Cần sớm phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân

Nghệ nhân là người nắm giữ, trao truyền các di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ sau, những “báu vật nhân văn sống” của dân tộc. Cùng với thời gian, người thì đã về cõi vĩnh hằng, người còn cũng đã tuổi cao, sức yếu...


Chính bởi vậy, rất cần sớm có những sự ghi nhận với các nghệ nhân, thông qua việc phong tặng những danh hiệu cao quý...

 

"Đời người mấy lúc gian truân mà già”


Câu ca ấy đã nhiều lần cố nghệ nhân Hà Thị Cầu hát cho mọi người nghe. Nó cũng giống như một lời than về thân phận của những nghệ nhân với biết bao cay đắng trong đời...

Nghệ nhân Hà Thị Cầu - tượng đài của nghệ thuật hát xẩm đã ra đi.


Được coi là "tượng đài cuối cùng" của nghệ thuật hát xẩm, giành rất nhiều giải thưởng như Bằng khen của Đài Tiếng nói Việt Nam, Giấy khen của Sở Văn hóa tỉnh Ninh Bình; nhưng đến cuối đời, cuộc sống của cụ Cầu vẫn thật vất vả, gian truân. Người duy nhất bên cạnh chăm sóc bà những ngày cuối đời là cô Mận, con gái út của bà, người đã hy sinh không lấy chồng để chăm sóc mẹ. Nhưng bản thân Mận cũng ốm yếu, quanh năm chỉ đi làm thuê quanh làng, nên mẹ con cũng chỉ có rau cháo nuôi nhau qua ngày. Trong lần gặp cuối với bà, nghệ nhân Hà Thị Cầu ngậm ngùi tâm sự với tôi: “Tao lúc nào cũng chỉ mong có ít lương hay gạo hay cái gì đấy để đỡ nghèo, người ta chỉ biết khi tao hát, có ai biết tao nghèo đâu, may có anh em, bà con làng xóm giúp đỡ dựng được cái nhà để ở”.


"Lúc khỏe, bà sống chủ yếu nhờ vào việc hát rong ngoài chợ và hát ở các hội hè. Những ngày cuối đời bà không đi hát được, lại hay đau yếu, thuốc thang đôi khi cũng phải đi vay, đi mượn. Lúc bà mất đi, thấy nhiều cơ quan, nhiều nghệ sĩ, nhiều bạn bè ở các nơi về viếng, người làng cứ tiếc cho bà, vì lúc sống thì nghèo khổ quá, đến lúc được quan tâm thì lại không còn để hưởng”, cô Mận ngậm ngùi kể.

Năm nay nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ 90 tuổi, đã già yếu lắm rồi.


Còn với nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, “đệ nhất danh cầm đàn đáy Việt Nam”, cuộc sống hiện nay của ông cũng không dễ dàng gì. Hiện ông đang sống cùng gia đình cô con gái ở thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Công việc hàng ngày là giúp cô con gái trông nom cửa hàng tạp hóa, trông cháu ngoại. Những lúc rảnh rỗi, ông lại bầu bạn với cây đàn cho khuây khỏa.


Ấn tượng đầu tiên khi bước vào căn nhà nhỏ, ấy là bằng khen các loại được treo gần như kín tường. Từ giải thưởng Đào Tấn, đến HCV Liên hoan ca trù toàn quốc 2005, Bằng khen của Viện Âm nhạc, Bằng khen vì có thành tích xuất sắc tại Đêm hội ca trù toàn quốc 2006, bằng công nhân nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2005… “Vẫn còn nhiều lắm, nhưng mà không có chỗ treo, nên tôi cất trong buồng ấy”, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ nói.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ kể, gia đình ông có truyền thống theo nghiệp ca trù từ cụ thượng tổ, ông đã là đời thứ 4. Năm 9- 10 tuổi, ông đã bắt đầu học đánh đàn. 15 tuổi đã biết đi kiếm tiền bằng tay đàn của mình. Ngày đó ca trù còn thịnh lắm, ở đâu có đám khao, đám cưới, hội làng… đều có ca nương, kép đàn đến hát thâu đêm suốt sáng. Nhưng từ những năm 1946, ca trù gần như không còn đất diễn, ông lại quay về cuốc đất, làm ruộng. Mãi đến năm 1995, phòng văn hóa huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) tìm đến ông, hỗ trợ ông tiền đóng lại cây đàn. Và thế là những giai điệu quen thuộc của ca trù lại vang lên đều đặn trong căn nhà của ông.


Thỉnh thoảng, trong cuộc trò chuyện, ông lại buông một câu: “Hết đến nơi rồi, chẳng còn mấy nữa…”. Hỏi lại, thì ông cụ bảo: “Tôi thấy tiếc công mình bao năm làm nghề, vậy mà rồi cũng đến lúc xuống đất, thế là mất nghề cha ông”. Tôi đùa, trông cụ vẫn phong độ lắm, ông cụ cười buồn: “Nom vậy thôi, chứ yếu lắm rồi. 90 tuổi rồi chứ có ít đâu. Cũng đã có đến 80 năm cầm đàn”. Hỏi ông dạo này có hay đi đàn hát, giao lưu với các CLB tỉnh bạn, ông bảo: “Mấy CLB bên Hải Phòng, Hà Nội vẫn mời sang giao lưu luôn, nhưng giờ già quá rồi, đi đâu một tý là cũng thấy mệt, nên ngại đi lắm. Có việc gì bắt buộc lắm mới đi thôi. Đi đâu cũng không còn hồn người, còn mỗi phần xác, chỉ có tiếng đàn là không đổi...”.


Con gái cụ kể, đợt nắng nóng vừa qua, cụ bị tai biến, huyết áp lên gần 200, phải đi bệnh viện cấp cứu, may mà qua khỏi, nhưng cũng phải tiêm mấy chục mũi. Tuổi cao, sức yếu, lại phải thuốc thang nhiều nên dạo này cụ càng hay mệt hơn.


Vẫn chờ luật để phong danh hiệu


Những nghệ nhân "như ngọn đèn trước gió", ví von thế có lẽ không sai, thế nhưng điều đáng nói, đến thời điểm này, những chính sách cho nghệ nhân vẫn đang trong giai đoạn... chờ luật; dù đã bao nhiêu năm được nghiên cứu, xem xét.


Trao đổi với Tin Tức, ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho biết: Danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" (NNND), "Nghệ nhân ưu tú" (NNƯT) là danh hiệu Nhà nước, nên muốn được phong tặng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.


Trước năm 2009, chúng ta chưa có quy định pháp luật về việc phong tặng này. Trong Luật Thi đua khen thưởng, ở Điều 65 quy định: Danh hiệu NNND, NNƯT dành để xét phong tặng cho các cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống ở lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ, còn những lĩnh vực khác của di sản văn hóa phi vật thể không được quy định, nên không thể có căn cứ để tổ chức xem xét, phong tặng. Đến năm 2009, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Quốc hội đã đồng ý sửa 2 trong 1, tức là, sửa điều 65 Luật Thi đua khen thưởng ngay trong nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa với tinh thần, tất cả các cá nhân có công bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đều sẽ được xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân.


Được biết, Chính phủ giao Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương (đơn vị phụ trách xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ trước đây) để xây dựng một nghị định chung về việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân. Tuy nhiên, phối hợp giữa chừng, các thành viên của Bộ Công Thương kiên quyết đề nghị tách riêng mảng thủ công mỹ nghệ để Bộ Công Thương xét tặng. Chính phủ đã đồng ý và đưa ra quyết định, Bộ VH,TT&DL tiếp tục xét tặng ở các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể khác, riêng nghề thủ công truyền thống sẽ do Bộ Công Thương chủ trì và chuẩn bị một nghị định khác để quy định xét tặng.


Sau quyết định này, Bộ VH,TT&DL đã xây dựng và trình Chính phủ đúng kế hoạch. Tuy nhiên, theo chương trình làm việc, trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn về Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi, bổ sung, nên Chính phủ quyết định sẽ chưa ban hành nghị định này, mà chờ Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi bổ sung được ban hành, sau đó sẽ điều chỉnh nghị định, để luật và nghị định đảm bảo sự đồng bộ, khi được ban hành sẽ có tính khả thi cao.
Như vậy, chờ đợi là điều duy nhất có thể làm hiện nay. Chỉ có điều những “báu vật nhân văn sống” của chúng ta đều đã già, yếu, nên thời gian để chờ cũng là cái mà các nghệ nhân thiếu nhất.


Phương Lan - Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN