Cần nhân rộng mô hình hiệu quả

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã nhân rộng các mô hình tái canh cà phê vối mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm giảm thiệt hại cho các nông hộ, góp phần phát triển cà phê bền vững.

Trồng tái canh diện tích cà phê già cỗi góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Viết Tôn

Thực tế, trong vài năm trở lại đây, nhiều nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê triển khai việc tái canh lại các vườn cà phê đã hết chu kỳ kinh doanh (từ 20 năm trở lên), bị sâu bệnh, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Thế nhưng, do thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật nên sau khi trồng lại, các vườn cây đều bị chết, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ, doanh nghiệp. Năm 1996, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk (Đắk Lắk) tiến hành nhổ bỏ, thanh lý 12 ha cà phê già cỗi (25 năm tuổi), năng suất dưới 1,2 tấn cà phê nhân/ha, đồng thời, tiến hành cày bừa, rà rễ, đào hố, bón phân trồng lại ngay cà phê trong năm đó, bình quân mỗi ha trồng tái canh gần 100 triệu đồng. Kết quả, vườn cây kiến thiết cơ bản năm đầu lên xanh tốt, đánh giá chất lượng loại A, nhưng sang năm thứ 2, thứ 3 vườn cây này vàng lá, thối rễ, cây chết đứng hết cả vườn, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, trong những năm tới, các tỉnh Tây Nguyên sẽ có 120.000 ha cà phê hết chu kỳ kinh doanh, già cỗi, sâu bệnh cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém. Chỉ riêng tại Đắk Lắk, hiện diện tích cà phê trên 20 năm tuổi chiếm trên 23,5%, từ 15 - 20 tuổi chiếm 34,9% diện tích. Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2020, Đắk Lắk cần phải trồng tái canh trên 30.500 ha.

Rút kinh nghiệm từ thất bại trên, đến năm 2000, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk trồng tái canh 54 ha cà phê theo một quy trình nghiêm ngặt. Diện tích đất sau khi nhổ cây cà phê được cày bừa, nhặt rễ, gom đốt sạch, tiến hành cải tạo 3 năm bằng cách trồng lạc, đậu nành xen ngô vừa đảm bảo thu nhập cho công nhân nhận khoán vừa cải tạo đất. Khi tiến hành trồng, Công ty cà phê Ea Pốk đào hố bằng máy 1m x 1m x 0,8m, bón 20 kg phân vi sinh cho 1 hố, đồng thời, quan tâm đến công tác xử lý hố, chọn giống cà phê đạt tiêu chuẩn đưa vào trồng. Sau khi trồng xong cà phê, Công ty Cà phê Ea Pốk còn tiến hành trồng cây đai rừng chắn gió (muồng đen), cây che bóng (keo dậu) và che bóng tạm thời (muồng hoa vàng). Kết quả, vườn cây không xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ, cây lên xanh tốt đạt chất lượng loại A. Đến nay gần 14 năm tuổi, vườn cây đã cho năng suất ổn định bình quân 3,5 tấn cà phê nhân/ha. Từ kết quả thành công này, công ty tiếp tục mở rộng diện tích trồng tái canh trên 100 ha, năng suất cà phê sau khi đi vào kinh doanh đều cho năng suất ổn định 3,5 tấn cà phê nhân/ha, đời sống công nhân ngày càng được nâng cao.

Không chỉ Công ty Cà phê Ea Pốk mà hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã có hàng chục ngàn ha cà phê sau khi trồng tái canh cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tổng Công ty phê Việt Nam hiện có trên 19.236 ha cà phê, trong đó có gần 11.000 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp. Tổng Công ty đã thực hiện tái canh thành công 1.400 ha cà phê nằm trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum….

Từ những thành công trên, Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp khi trồng tái canh cà phê cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình tái canh cà phê vối mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành. Viện đã khuyến cáo, hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê khi thực hiện trồng tái canh cà phê cần chuẩn bị kỹ đất, phân tích mật độ tuyến trùng trong rễ cây cà phê của vườn cà phê để có biện pháp xử lý, xác định thời gian luân canh thích hợp. Khi làm đất phải thu gom hết lá, rễ, thân của cây cà phê cũ đưa ra khỏi vườn, đốt, thời gian luân canh ít nhất là 2 năm sau khi nhổ bỏ cà phê. Các loại cây luân canh gồm, đậu đỗ các loại, ngô, bông vải, hoặc các loại cây phân xanh họ đậu và trong quá trình luân canh, đất cần được cày phơi vào mùa nắng hàng năm.

Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cũng hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp kỹ thuật đào hố, khoảng cách hố: 3 x 3 mét, với mật độ 1.1111 cây/ha), bón lót phân chuồng ủ hoai mục, vôi, phân lân trộn đều với lớp đất mặt cho xuống hố theo lượng bón 10 kg phân chuồng cộng 1 kg vôi cộng 0,5 kg lân nung chảy/hố. Việc đào hố, bón lót phải hoàn thành ít nhất 1 tháng trước khi trồng tái canh lại cà phê và sử dụng giống cà phê đạt tiêu chuẩn, chủ yếu là các giống vô tính đã được công nhận như giống cà phê TR4, TR5, Tr6, TR7, TR8… Viện cũng khuyến cáo đến các nông hộ, các doanh nghiệp kỹ thuật trồng, tạo bồn, trồng cây đai rừng, cây che bóng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, bón phân, tưới nước, tạo hình cho cây cà phê nhằm góp phần tạo điều kiện phát triển cây cà phê sau khi tái canh bền vững.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 561.534 ha cà phê, trong đó có trên 120.000 ha cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh, hiệu quả kinh tế thấp cần tái canh. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng là hai địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất nước cũng là hai địa phương có diện tích cà phê cần phải tái canh lớn nhất. Qua thống kê, từ năm 2013 đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch tái canh trên 65.355 ha cà phê, trong đó, trước mắt, từ nay đến năm 2016, tỉnh có kế hoạch tái canh 25.625 ha.

Q.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN