"Bước đệm" để chuyển đổi sản xuất

Cùng với nhiều chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai trên địa bàn, qua việc thực hiện Quyết định 102/2009 của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn", đời sống người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có nhiều thay đổi, tạo động lực giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế.

 

Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở Lai Châu đang phát huy hiệu quả.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay tỉnh đã giải ngân được gần 40,5 tỷ đồng, với hơn 83.000 hộ (với gần 420.000 khẩu) được thụ hưởng. Theo đó, mỗi khẩu của hộ nghèo ở khu vực III được hỗ trợ 100.000 đồng/năm; khu vực II mỗi khẩu là 80.000 đồng/năm. Hình thức hỗ trợ có thể bằng hiện vật hoặc bằng tiền mặt… Mặc dù gia đình có 3 nhân khẩu, nhưng theo bình xét của bản, của xã, hộ anh Lò Văn Thánh ở bản Huổi Hán, xã biên giới Nậm Xe (Phong Thổ) là hộ nghèo vì vợ chồng anh đều mất sức lao động do mắc bệnh hiểm nghèo. Theo Quyết định 102, mỗi năm gia đình anh được hỗ trợ 300.000 đồng. Với số tiền hỗ trợ này, gia đình anh đã mua giống lúa để gieo trồng, số tiền còn lại mua dụng cụ sản xuất và muối ăn. Trong căn nhà sàn ọp ẹp chỉ có cái ti vi cũ là đáng giá nhất, anh Thánh cho biết, được Nhà nước hỗ trợ, gia đình có thêm điều kiện để phát triển kinh tế mặc dù số tiền hỗ trợ vẫn còn ít. Anh mong Nhà nước xem xét nâng mức hỗ trợ lên.


Cùng ở bản Huổi Hán, gia đình chị Lò Thị Thực cũng được hỗ trợ 100.000 đồng/khẩu. Gia đình chị thường xuyên được cán bộ xã hướng dẫn sử dụng tiền hỗ trợ đúng mục đích. Vì vậy, số tiền này đã được chị dùng để mua gà giống và thuốc phòng bệnh cho đàn vật nuôi.


Trên đây chỉ là hai trong tổng số hơn 1.600 hộ nghèo của xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) được hỗ trợ theo Quyết định 102 trong 3 năm qua. Nguồn hỗ trợ này được các hộ nghèo coi như "bước đệm" để họ thêm điều kiện chuyển đổi sản xuất. Nhờ đó, số hộ nghèo của xã đã giảm xuống dưới 30%. Đời sống của bà con ngày càng khởi sắc, chương trình xây dựng nông thôn mới đã được bà con nhiệt tình hưởng ứng và tham gia thực hiện ở nhiều lĩnh vực.

 
Hiệu quả của chính sách thì đã rõ, tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Mức tiền hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm đối với hộ nghèo ở xã khu vực II và 100.000 đồng/người/năm đối với hộ nghèo ở xã khu vực III được cho là còn ít ỏi so với giá cả vật tư, nguyên liệu, giống cây trồng hiện nay. Ông Đèo Văn Vĩnh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phong Thổ cho rằng, địa bàn miền núi đi lại khó khăn nên rất khó để hỗ trợ bằng hiện vật cho bà con mặc dù nhiều người muốn. Một số xã cũng tổ chức hỗ trợ bằng hiện vật, nhưng nhận thấy chưa kịp thời và chưa đúng thời vụ. Có những bản phải đi bộ đến cả nửa ngày, cán bộ cũng khó có thể đưa nông cụ đến được. Với hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt thì không phải hộ dân nào cũng sử dụng đúng mục đích. Thậm chí nhận tiền rồi còn không biết đó là khoản tiền gì, mặc dù cán bộ chính sách đã tuyên truyền và định hướng trước. Ngoài ra, cũng nên xem xét bổ sung hộ cận nghèo được hưởng cùng hộ nghèo.


Bà Lò Thị Vương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu nhận định: Với những khó khăn trên, trước mắt các địa phương cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả, đúng mục đích; đồng thời cũng nên thường xuyên kiểm tra, giám sát sau hỗ trợ tại cơ sở… Để Quyết định 102 tiếp tục được thực hiện có hiệu quả và thiết thực, kiến nghị Nhà nước điều chỉnh mức tiền hỗ trợ cao hơn, qua đó góp phần giúp bà con yên tâm, giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại và hiểu được mục tiêu, ý nghĩa của chính sách, để bà con có thêm điều kiện, phấn đấu thoát nghèo.


Bài và ảnh: Quang Duy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN