Bổ sung lý luận về công nghiệp hóa

Ngày 25/3, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới đã tổ chức Hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận, thực tiễn cốt yếu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam".


Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phạm Văn Vọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đặc biệt coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, Đảng ta đã từng bước tổng kết thực tiễn, kế thừa, phát triển tư tưởng lý luận và bổ sung nhận thức ngày càng rõ ràng hơn nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp.


Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của nền kinh tế đất nước vào kinh tế toàn cầu với xu hướng toàn cầu hóa đã mang lại cho chúng ta những cơ hội to lớn trong phát triển nhưng cũng xen lẫn nhiều thách thức. Thành tựu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã góp phần quan trọng làm cho đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, nâng cao tiềm lực và vị thế quốc tế của đất nước.


Các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, đề xuất các giải pháp, mô hình cho nền kinh tế, trong đó Ban Kinh tế Trung ương đề xuất mô hình công nghiệp hóa rút gọn theo hướng “công nghiệp hóa hiện đại” để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành.


Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học và địa phương, nhất trí để làm sâu sắc thêm về nội hàm lý luận, từ đó xác định hướng đi cho mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần đánh giá đúng mức, rõ ràng hơn quá trình 30 năm đổi mới, từ đó giải quyết tốt mối quan hệ phát triển kinh tế và công bằng xã hội, cơ cấu kinh tế ngành và giải quyết lao động dư thừa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ thành công khi chúng ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các chính sách pháp luật sâu sát, phù hợp, đồng thời đầu tư cho giáo dục - đào tạo hiệu quả, đi đôi phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn.


Nguyễn Trọng Lịch

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN