Bộ đội biên phòng giúp dân xóa nghèo

Trước đây, bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho (Phong Thổ, Lai Châu) quanh năm đói nghèo, tưởng chừng như không bao giờ có thể vươn lên được. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của những người lính biên phòng, bản Hùng Pèng đã bước sang một trang mới. Chỉ trong vòng 4 năm, Hùng Pèng đã giảm số hộ đói nghèo từ 100% xuống dưới 30% theo tiêu chí mới.


Cùng an cư lạc nghiệp


Cách đây hơn 4 năm, 49 hộ đồng bào Dao của bản Hùng Pèng sống rải rác trên những đỉnh đồi hoặc thung sâu, dọc biên giới Việt - Trung. Chỉ trông vào nghề nông truyền thống, mỗi năm làm một mùa lúa, nên đến mùa giáp hạt là bà con đói lay lắt. Tuy khó khăn, vất vả là thế, nhưng người Hùng Pèng chẳng ai bỏ bản mà đi, vẫn bên nhau chống chọi với gian khó cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) gìn giữ biên cương.

Đàn bò của HTX Đoàn Kết ngày càng phát triển về số lượng.


Thấu hiểu nỗi khổ của người dân nơi đây, BĐBP Lai Châu, trực tiếp là Đồn Biên phòng 297 Ma Lù Thàng, đã vận động bà con Hùng Pèng lập bản mới trên vùng đất cũ. Trong số 49 căn nhà của bản, thì có tới 13 căn nhà là do các chiến sỹ biên phòng dựng.


Đã an cư cho người dân, BĐBP Lai Châu lại tiếp tục suy nghĩ tìm hướng đi phát triển bền vững cho Hùng Pèng. Tháng 4/2008, một đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu đã về Hùng Pèng kiểm tra thực tế, để có kế hoạch đầu tư hiệu quả và phù hợp nhất. Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, mô hình hợp tác xã quân dân kết hợp làm kinh tế ở Hùng Pèng ra đời, mang tên Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết.


HTX Đoàn Kết hoạt động với phương thức người dân làm chủ, BĐBP tham mưu, vạch kế hoạch và đứng ra đảm bảo cho người dân vay vốn. Trưởng bản Hùng Pèng, Lý A Nhị, làm Chủ nhiệm HTX, Trung úy Lê Văn Dũng làm Phó chủ nhiệm. HTX thực hiện các nhiệm vụ như sản xuất tập trung, trồng cây cao su, cây keo để phát triển rừng và chăn nuôi tập trung đại gia súc. BĐBP mở đường giao thông về bản, chuyển giao các công nghệ trồng rừng, cách thâm canh sản xuất, tổ chức nuôi gia súc phù hợp với điều kiện địa hình của địa phương.


Hợp tác xã xóa nghèo


Tranh thủ nhiều nguồn vốn khác nhau của Chính phủ, ngân hàng chính sách, HTX đã có được nguồn vốn gần 1 tỷ đồng. 1/3 nguồn vốn được đầu tư để chăn nuôi bò và dê. 60 con bò và dê được giao cho HTX quản lý, các gia đình thay nhau chăn thả. Ông Lý A Nhị, Trưởng bản Hùng Pèng, cho biết: “Đàn bò ban đầu chỉ có 30 con, sau 1 năm đã tăng lên 43 con, và đến nay đã lên tới hơn 100 con rồi đấy. Bây giờ nhà ai cũng có hơn 1 con bò rồi, còn có thêm thu nhập từ bán ngô, nuôi cá. Bản Hùng Pèng đã giảm hơn 70% số hộ nghèo, cơm đã no, áo đã ấm”.


Bằng cách miệng nói, tay làm, tai lắng nghe và cầm tay chỉ việc cho bà con nên dân bản đã tin vào bộ đội, phấn khởi tham gia vào HTX.

Song song với nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phát triển đàn gia súc, BĐBP còn làm cầu cho bản, góp phần đưa Hùng Pèng tới gần hơn với cuộc sống bên ngoài.


Thông qua HTX Đoàn Kết, bản Hùng Pèng đã lồng ghép các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Nhà nước để kiên cố hóa hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, thủy lợi, xóa nhà tạm, ổn định dân cư và quy hoạch trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế.


Khi kinh tế các hộ gia đình ổn định, đồng bào dân tộc Dao nơi đây cũng đã có điều kiện để chăm lo cho con em học tập và bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông Lý A Nhị cho biết: Ngày xưa bà con trong bản nghèo quá nên các phong tục tập quán văn hóa cứ mai một. Những năm gần đây, bản Hùng Pèng đã phục hồi được nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc như Tết nhảy lửa vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.


Trung úy Lê Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm HTX Đoàn Kết chia sẻ: “Chúng tôi phải thực hiện phương châm “4 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương. Sự gắn bó đã giúp chúng tôi trở thành người của bản. Thành công này của chúng tôi chưa lớn, nhưng đó là tiền đề để Hùng Pèng vươn lên làm giàu bền vững”.


Bài và ảnh: Nguyễn Lê

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN