Bình Thuận giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa X) về dạy nghề, bài toán việc làm cho lao động nông thôn tại Bình Thuận đã đạt kết quả khả quan khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn dưới 3,8%.


Bình Thuận hiện có trên 350.000 lao động ở nông thôn, đa số trước đây thường sản xuất theo tập quán, mùa vụ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không nhiều, dẫn đến năng suất lao động chưa cao, hiệu quả thấp, thu nhập và đời sống phần lớn nông dân còn khó khăn nên sức ép việc làm ở nông thôn ngày càng tăng. Tình trạng nông dân thiếu việc làm lúc nông nhàn trở thành vấn đề xã hội nổi cộm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm việc làm và tăng thu nhập, dẫn tới nhiều tệ nạn xã hội và tội phạm có chiều hướng gia tăng.

Đào tạo nghề nông thôn được quan tâm. Ảnh: TTXVN

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhằm tăng thêm tính hiệu quả, tỉnh Bình Thuận đã chủ động kết hợp với nhiều cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp dạy nghề, giúp người nông dân tạo ra năng suất cao và hiệu quả trên cùng diện tích canh tác. Công tác dạy nghề cũng chú ý đến lực lượng lao động trong các ngành, lĩnh vực phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương, đảm bảo lao động có việc làm sau khi đào tạo.

Ông Mai Văn Anh - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Thuận cho biết: 10 năm qua, toàn tỉnh có hơn 97.000 người được đào tạo nghề; vượt 7,1% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 12,7% năm 2004 tăng lên 43,3% năm 2013. Tổng số lao động được giải quyết việc làm trong giai đoạn này đạt gần 231.000 người. Kết quả này kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động xuống còn 3,8% vào năm 2013. Các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều mô hình dạy nghề mang lại hiệu quả cao.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở dạy nghề (9 cơ sở dạy nghề ngoài công lập). Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn đã chứng tỏ tính thiết thực, hiệu quả. Sau khi được đào tạo, lao động nông thôn đã góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, hạn chế sự di chuyển lao động từ khu vực nông thôn ra thành thị. Nhiều nông dân đã biết cách chiết, ghép cây, không phải mua cây giống mà còn tạo được cây giống chất lượng cao. Một số học viên sau khi tốt nghiệp các lớp đào tạo đã nhạy bén chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ cơ khí và giống cây trồng có thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Một trong những cách làm hay mang lại hiệu quả trong công tác đạy nghề của Bình Thuận là thực hiện mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa… Các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong… đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày truyền đạt kỹ năng trồng, chăm sóc cao su, cây thanh long, đan lát, dệt thổ cẩm, may công nghiệp…, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Các trung tâm dạy nghề liên kết, phối hợp với các trường cao đẳng, đại học, trung tâm, trạm trại khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo các lớp chuyên ngành lái xe, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, thú y, mộc dân dụng… chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn cho nông dân. Nhờ vậy, hơn 70% lao động ở nông thôn sau học nghề có việc làm ổn định.

Mặc dù đã đạt được một số thành tích bước đầu, song công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bình Thuận cũng còn không ít khó khăn do một bộ phận không nhỏ người lao động chưa nhận thức đầy đủ về học nghề và việc làm nên đăng ký học nghề còn ít, bỏ học giữa chừng làm ảnh hưởng đến kết quả dạy nghề. Đa số các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đều tổ chức tại các địa bàn cách xa trung tâm (dạy lưu động) nên công tác giảng dạy của giáo viên và quản lý lớp gặp nhiều khó khăn trong khi điều kiện phục vụ chưa đảm bảo. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy nghề vẫn còn thiếu so với nhu cầu…

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2015, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt 55%, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 24.000 lao động. Cuối năm 2015, toàn tỉnh giảm tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động xuống dưới 3,5%.

Nguyễn Thanh

Dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer
Dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer

Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có gần 45.000 hộ với hơn 180.000 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 61% dân số. Lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 67%, đa phần sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm kiểu “cha truyền con nối” nên hiệu quả kinh tế đạt thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN