Báo động nạn chuột phá hoại mùa màng

Mới đầu vụ mùa, nông dân nhiều địa phương phía Bắc đã gần như “bó tay” vì chuột cắn lúa. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết đã xây dựng kế hoạch diệt chuột bảo vệ lúa và sản xuất nông nghiệp.


Nạn chuột hại hoành hành


Những ngày tháng 7, bà con nông dân xóm Đồng Cỏ, thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh) đang đứng ngồi không yên vì nạn chuột hoành hành.


Thời điểm này, đi qua các cánh đồng đều nhận thấy hầu khắp các thửa ruộng đều đã được quây bằng ni lông. Hàng rào ni lông cao gần tới đầu gối nhưng theo ông Vương Hữu Bằng, Trưởng xóm Đồng Cỏ, cách này chỉ giúp ngăn ngừa phần nào thôi. Chuột vẫn nhảy qua lớp hàng rào ni lông vào cắn lúa mới cấy.


Bà Nguyễn Thị Bính cho biết, ba vụ lúa gần đây, không ít nhà gần như mất trắng vì đạo ôn, chuột cắn... Nhiều nhà cấy một sào ruộng mà thu không được 1 tạ thóc. “Lúa mới cấy xong được vài hôm mà ra thăm ruộng đã thấy bị gãy rạp, thậm chí bị nhổ bật gốc lên. Không hiểu sao, chuột bọ ngày càng nhiều. Hay là đánh thuốc chuột vào thì nó lại sinh nở ra đông hơn”, bà Bính lo lắng.


Chỉ về hướng có nhiều thửa ruộng lúa mới cấy đã bị lụi đi, ông Vương Hữu Bằng, xóm trưởng xóm Đồng Cỏ nóng ruột nói: “Nhà nào nhà nấy cũng đều đặt bẫy cả rồi. Thậm chí xã cũng phát động phong trào diệt chuột, thu mua 2.000 đồng/đuôi mà tình hình vẫn không hề giảm”.


Không chỉ Bắc Ninh mà Nam Định cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại vì nạn chuột và tỷ lệ thiệt hại có xu hướng ngày càng tăng. Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định cho biết, trong vụ lúa xuân 2013, toàn tỉnh có trên 1.000 ha lúa bị chuột gây hại. Diện tích này cao gấp đôi so với vụ xuân 2010 và gấp 3 lần so với vụ xuân năm 2011. Trong đó, có 457 ha bị chuột hại nhẹ, 130 ha hại nặng. Vụ mùa 2013, nguy cơ chuột gây hại với lúa rất lớn.


Chủ động để hạn chế thiệt hại


Để chủ động hạn chế thiệt hại với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, nhiều Sở NN&PTNT cho biết đã xây dựng kế hoạch diệt chuột để bảo vệ vụ mùa 2013. Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh sẽ tập trung diệt chuột ở bờ kênh, mương, vùng thửa, bãi cao, ven đê, khu vực dân cư, đặc biệt khu vực gần vùng sản xuất. Từ 20/6 đến 30/7, trước khi lúa đẻ nhánh, sẽ diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp từ thủ công, hóa học và sinh học. Từ 30/7 đến hết vụ thì chủ yếu dùng biện pháp sinh học và thủ công.


Chuột hại có chiều hướng tăng trong mấy năm qua, theo ông Nguyễn Phùng Hoan, nguyên nhân là do việc tổ chức diệt chuột của nhiều địa phương chưa mang tính hệ thống, không đồng loạt. Kỹ thuật đánh thuốc cũng chưa phù hợp. Đáng lưu ý, một số loại thuốc hóa học được sử dụng nhiều năm đã không còn hiệu quả.


Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, cần triển khai diệt chuột bằng nhiều biện pháp. Những ruộng gần làng, gần đường, gần khu nghĩa trang thường xuyên bị chuột gây hại nặng, cần phát quang bụi rậm, gò đống để chuột không còn nơi trú ngụ. Cần kết hợp quây rào ni lông, bẫy chuột bằng các loại bẫy hoặc tổ chức đào hang, đổ nước, hun khói, xông bằng hơi đất đèn, soi đèn. Các nhà khoa học cũng khuyến khích người dân nuôi mèo, bảo vệ các loài thiên địch của chuột như rắn, các loài chim.


Bên cạnh đó, khi sử dụng biện pháp hóa học thì chú ý chỉ sử dụng loại thuốc có trong danh mục như: Biorat, Rat-K 2%, Ranpart 2%D, Rat-Kill 2%DD, Phốt chua kẽm... Tuy nhiên, khi đánh thuốc chuột cần thông báo rộng trong khu dân cư và tổ chức thu gom mồi thừa, xác chuột cũng phải chôn cẩn thận để an toàn cho động vật nuôi, môi trường và sức khỏe của người dân. Tuyệt đối không dùng thuốc chuột ngoài danh mục không được phép sử dụng.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN