Ai Cập rơi vào giai đoạn bất ổn mới

Ai Cập đang đứng trước một vòng xoáy bất ổn mới sau vụ đụng độ khiến ít nhất 525 người thiệt mạng - sự kiện đẫm máu nhất kể từ cuộc chính biến cách đây hơn 2 năm.


Số người chết tăng nhanh


Phóng viên TTXVN tại Ai Cập dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế nước này ngày 15/8 cho biết đã có ít nhất 525 người thiệt mạng và 3.572 người bị thương trong các cuộc đụng độ ngày 14/8 giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Riêng ở quảng trường Rabaa Al - Adawiya, nơi cắm trại chính của người biểu tình trong nhiều tuần qua, số người chết là 202 người. Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, trong số những người thiệt mạng có 43 nhân viên an ninh.


Một người Ai Cập khóc thương cho những nạn nhân xấu số trong vụ đụng độ hôm 14/8. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thống kê trước đó không lâu của Bộ Nội vụ cho biết chỉ có 464 người chết, hơn 2.000 bị thương. Có 3 nhà báo bị thiệt mạng, gồm một nhà quay phim của hãng truyền thông Sky News (Anh), phóng viên của tờ Tin tức vùng Vịnh (UAE) và một cây bút của báo Al Akhbar (Ai Cập). Trong khi đó, tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) cho rằng số người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp của cảnh sát lên đến 2.000 người. Tuy nhiên con số này chưa được kiểm chứng.


Bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong vòng 1 tháng, cùng với đó là lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau tại Cairo và 13 tỉnh khác, tình hình an ninh ở Ai Cập chưa có dấu hiệu khôi phục đáng kể. Vẫn xảy ra các vụ bắn phá lẻ tẻ tại nhiều khu vực trên cả nước. Tại các thành phố Sinai và Assiut, người biểu tình tấn công đồn cảnh sát, giết hại hai nhân viên. Trước lời kêu gọi tiếp tục biểu tình để “phản đối việc sát hại những người anh em” của MB, cảnh sát Ai Cập lập chốt gác tại các tuyến đường dẫn vào thủ đô Cairo. Nhiều địa điểm du lịch như khu Kim tự tháp, Bảo tàng Ai Cập... được lệnh đóng cửa. Các ngân hàng thương mại cũng được khuyến cáo ngừng hoạt động tại các địa điểm bị ảnh hưởng bởi bạo động. Dịch vụ tàu hỏa từ miền Bắc tới miền Nam dừng hoạt động, do lo ngại người biểu tình ủng hộ cựu tổng thống bị lật đổ Morsi có thể sử dụng phương tiện này tiến về Cairo.


Thủ tướng lâm thời Hazemel - Beblawi đã có bài phát biểu trên truyền hình, tỏ ý lấy làm tiếc vì xảy ra bạo động đẫm máu, nhưng không đưa ra lời xin lỗi đối với người biểu tình ủng hộ ông Morsi, với lý do chính quyền đã cảnh báo từ trước. Ông này cũng ca ngợi lực lượng cảnh sát vì đã hành động kiềm chế, khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển tiếp tiến đến bầu cử Quốc hội vào đầu năm 2014.


“Tiến trình nguy hiểm hơn”


Nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Tiếp sau các tuyên bố của Tổng Thư kí Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức... hôm 14/8 lên án việc chính quyền Ai Cập sử dụng vũ lực, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố đây là “một đòn nghiêm trọng” đánh vào các nỗ lực hòa hợp chính trị.


Trong một thông báo ngắn gọn tối 15/8 (giờ VN), Tổng thống Mỹ Barrack Obama cho rằng các vụ bạo lực mới nhất đang đẩy đất nước của những Kim tự tháp tới một “tiến trình nguy hiểm hơn”. Ông đồng thời tuyên bố hủy kế hoạch tập trận chung giữa hai nước để phản đối việc Cairo sát hại người biểu tình.


Ở một chiều hướng khác, hai quốc gia vùng vịnh là Bahrain và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) lên tiếng ủng hộ hành động vũ lực của chính quyền Ai Cập, cho rằng việc làm này là cần thiết để vãn hồi trật tự. Hai nước này cùng với Kuwait, Arập Xêút trước đó đã công khai đứng về phái quân sự lật đổ ông Morsi, cam kết sẽ viện trợ cho chính quyền Ai Cập 12 tỉ USD để khôi phục lại nền kinh tế bị kiệt quệ.

 

Pháp đã triệu Đại sứ Ai Cập tại Paris để trao đổi tình hình, đồng thời kêu gọi hành động khẩn thiết, không để Ai Cập rơi vào cuộc nội chiến. Trung Quốc ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các diễn biến mới, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, không để xảy ra thương vong đáng tiếc nào khác. Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bàn về Ai Cập. Anh cũng triệu Đại sứ Ai Cập để bày tỏ quan ngại sâu sắc. Australia và New Zealand cho rằng tình trạng bạo lực ở quốc gia Bắc Phi này là một thảm họa khủng khiếp. Nga khuyến cáo du khách không tới Ai Cập vào thời điểm này.


Hoài Thanh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN