09:07 29/09/2017

Báo động xu hướng tội phạm tuổi 'teen'

Thời gian gầy đây, nhiều vụ phạm pháp hình sự gây ra bởi các đối tượng là trẻ em hoặc người chưa thành niên, trở thành nỗi lo đối với gia đình và xã hội.

Nhiều đối tượng vi phạm pháp luật tuổi teen bị bắt giữ tại Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

6 tháng, hơn 2.200 vi phạm chủ yếu do trẻ vị thành niên gây ra

Theo Bộ Công an, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 2.258 vụ vi phạm pháp luật do trẻ em và người chưa thành niên gây ra; trong đó, có 36 vụ giết người, 59 vụ cướp tài sản, 302 vụ cố ý gây thương tích và 896 vụ trộm cắp tài sản. Tỷ lệ gây án theo lứa tuổi là 5,2% dưới 14 tuổi, 24,5% từ 14 đến dưới 16 tuổi và 70,3% từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Cụ thể, mới đây Công an Quận 11 đã bắt giữ các đối tượng gây ra vụ giết người kinh hoàng ở hẻm 54 đường 281, Phường 15. Các đối tượng trong vụ án này tuổi đời còn rất trẻ như Lợi Chí Cường (tự Triển Chiêu, 21 tuổi), Nguyễn Thanh Phúc (15 tuổi), Nguyễn Thanh Quang (17 tuổi), Vòng Hồng Phát (17 tuổi), Bạch Tấn Đẩu (17 tuổi), Lê Hào Kiệt (14 tuổi), Lý Kiến Oai (19 tuổi), Phạm Phi Vũ (16 tuổi) và Nguyễn Hoàng Hùng Dương (16 tuổi). Do mâu thuẫn chuyện tình cảm tuổi “teen”, các đối tượng này đã mang hung khí đánh dằn mặt, làm một người chết vì bị dao đâm, hai người khác bị thương.

Theo các cán bộ điều tra Công an Quận 11, các đối tượng tuổi đời còn rất trẻ, sớm bỏ học và thiếu sự quan tâm của gia đình nên kết nhóm với nhau ăn chơi lêu lổng. Khi có mâu thuẫn trong nhóm, các đối tượng tuổi trẻ dễ bốc đồng nên a dua, chạy theo mà không nghĩ đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Một băng nhóm tuổi “teen” khác thậm chí còn lập băng cướp xe máy liên quận. Băng nhóm này do Giang Quốc Khánh (17 tuổi) và Trần Thanh Vinh (19 tuổi), cùng ngụ Phường 15, Quận 8 cầm đầu, bị Công an Quận 7 triệt phá cách đây không lâu. Theo Cơ quan điều tra, băng nhóm này tuy tuổi đời còn trẻ nhưng rất manh động, thường đi theo tốp trên các con đường vào lúc đêm tối, thấy ai sơ hở là chúng dùng hung khí đánh nạn nhân rồi cướp tài sản.

Thiếu tướng Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) - Bộ Công an đánh giá, hiện nay độ tuổi tội phạm có xu hướng trẻ hóa. Đặc biệt, tội phạm lứa tuổi vị thành niên có chiều hướng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ phương pháp quản lý, giáo dục trẻ em từ gia đình còn thiếu sót.

Nhiều phụ huynh quá nuông chiều, thỏa mãn và đáp ứng mọi yêu cầu vật chất của con, dù các nhu cầu này là không chính đáng. Bên cạnh đó, việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường thiếu chặt chẽ. Ở độ tuổi phát triển về tâm sinh lý chưa hoàn thiện, dễ bị kích động, khó kiềm chế, đặc biệt nhận thức xã hội của các em còn hạn chế; kiến thức pháp luật và ý thức pháp luật chưa cao, nếu thiếu sự quan tâm của gia đình và nhà trường, các em rất dễ bị các đối tượng xấu rủ rê dẫn đến mắc sai lầm.

Trang bị phương pháp giáo dục cho gia đình

Theo các chuyên gia, vai trò của gia đình và nhà trường là rất quan trọng trong việc giáo dục các em, kịp thời nắm bắt tâm tư và phát hiện những nguy cơ xấu tới từ xã hội ảnh hưởng đến trẻ em và người chưa thành niên.

Các bậc cha mẹ cũng cần phải được trang bị những tri thức, kiến thức về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội để có định hướng và có biện pháp quản lý, giáo dục con cái. Điều quan trọng nhất là phải thực sự quan tâm đến con cái, dựa trên đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp để hướng các em vào hoạt động tích cực, lành mạnh.

Theo Trung tá Huỳnh Thị Thu Trang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các bậc phụ huynh nhằm ngăn chặn các hành vi phạm pháp hình sự do trẻ em và người chưa thành niên. Để đạt được hiệu quả lan rộng cần sự vào cuộc của nhiều bên, trong đó không thể thiếu lực lượng Công an.

Trung tá Trang cho biết, lực lượng Công an cần thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền phổ biến tác hại của các chất gây nghiện, hậu quả của việc sử dụng ma túy cho trẻ em và người chưa thành niên, tổ chức các hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ đến trường học. Đáng chú ý cần xây dựng một chương trình phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh, trò chơi biến tướng thành hoạt động cờ bạc đối với học sinh, khu dân cư.

Ngoài ra, đối với trường hợp người chưa thành niên đã phạm tội phải có những biện pháp giáo dục phù hợp. Theo một cán bộ tại Trại giam Long Hòa (Tổng cục VIII - Bộ Công an), đối với người chưa thành niên thụ án tại đây, đầu tiên là được học chữ, học văn hóa, sau đó các em được dạy nghề. Cán bộ này cũng cho rằng, dù đã dạy dỗ giúp các em có nhận thức tốt hơn nhưng khi hết thời gian thụ án, cần cung cấp cho các em môi trường phù hợp để giúp các em tái hòa nhập mới không tái phạm tội và trở thành những công dân có ích trong xã hội.

Hà Chung (TTXVN)