10:09 17/10/2015

Báo động vi phạm đê điều, kinh doanh bến bãi ở Phú Thọ

Do “dễ dãi” trong việc cấp phép kinh doanh bến, bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng nên thời gian gần đây, tình trạng vi phạm đê điều ở tỉnh Phú Thọ diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, an toàn tại các tuyến đê, gây bức xúc trong nhân dân.


Vi phạm nghiêm trọng hành lang đê điều


Có mặt tại xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì vào chiều 15/10, chúng tôi thấy cát sỏi, vật liệu xây dựng được các doanh nghiệp chất cao như núi, ngay sát chân đê sông Lô. Tại đây, hàng ngày có hàng chục xe tải lớn nhỏ ra vào chở vật liệu xây dựng băm nát mặt đê, cát sỏi rơi vương vãi khiến bụi bay mù mịt, gây mất an toàn giao thông.


Xã Phượng Lâu hiện có 5 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bến, bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng; trong đó có 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng An Khang, Công ty cổ phần Tùng Ngọc và Công ty cổ phần Thượng Long thường xuyên tập kết vật liệu xây dựng cao quá mặt đê, ảnh hưởng đến an toàn của đê sông Lô. Thậm chí có đơn vị còn tự ý đổ đất làm mố cầu cảng, lấn chiếm lòng, bãi sông và xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ đê.


Theo cán bộ địa chính xã Phượng Lâu, hầu hết các doanh nghiệp này đều vi phạm Luật đê điều, việc tập kết cát sỏi, kinh doanh bãi làm ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị vi phạm nhưng do thẩm quyền cấp xã hạn chế nên chỉ dừng lại ở việc đôn đốc, nhắc nhở, do đó tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.


Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng vi phạm hành lang đê điều không chỉ xảy ra tại thành Phố Việt Trì mà dọc tuyến đê sông Lô thuộc địa bàn các huyện Phù Ninh và Đoan Hùng cũng có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều. Thậm chí có đơn vị, doanh nghiệp còn tự ý xây dựng các công trình kiên cố ngay sát chân đê, lấn chiếm lòng, bãi sông làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và đe dọa trực tiếp đến an toàn của tuyến đê.


Tại huyện Phù Ninh, tình trạng vi phạm Luật đê điều cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Theo kết quả kiểm tra của các ngành chức năng, trên địa bàn xã có 17 tổ chức, cá nhân kinh doanh bến bãi vi phạm các quy định của Nhà nước như sử dụng đất vượt mốc giới được giao, xây dựng các công trình trong lòng sông, bãi sông khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và không thực hiện quan trắc môi trường theo định kỳ.


Chủ tịch UBND xã Tiên Du Phạm Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, xã đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện kiểm tra, nhắc nhở và có những biện pháp mạnh để chỉnh đốn tình trạng trên. Tuy nhiên, đến nay việc chấp hành các quy định Nhà nước của các cá nhân, doanh nghiệp chuyển biến chưa nhiều. Nguyên nhân là do chức năng, quyền hạn của xã còn hạn chế, trong khi các đơn vị này đều do huyện hoặc tỉnh cấp phép nên cũng rất khó khăn cho việc xử phạt các cá nhân, đơn vị vi phạm.


Tại huyện Đoan Hùng, tình trạng vi phạm trong việc kinh doanh bến bãi của các cá nhân, doanh nghiệp còn phổ biến và nghiêm trọng hơn. Qua công tác phối hợp kiểm tra với các ngành chức năng của tỉnh vào đầu năm 2015 đối với 14/64 bến bãi cho thấy, có 9 bến bãi của 8 tổ chức và một hộ gia đình có hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích gần 48.000 m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm sang kinh doanh bến bãi khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép; 8/14 doanh nghiệp có hành vi đổ đất lấn chiếm hơn 27.000 m2 đất lòng sông Lô.


Xử lý thiếu kiên quyết


Trước tình hình trên, cuối năm 2014 UBND tỉnh Phú Thọ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ việc kinh doanh bến bãi trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 155 điểm kinh doanh bến bãi của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động chủ yếu trên tuyến sông Lô, sông Đà và sông Chảy; trong đó 37 bến, bãi được UBND tỉnh có quyết định giao, cho thuê đất; 17 bến bãi do UBND các huyện giao và cho thuê đất; 21 bến bãi được UBND các xã giao và cho thuê đất, còn lại 80 bến bãi tự hoạt động, không có hồ sơ thủ tục sử dụng đất.


Cũng qua kiểm tra, hầu hết các bến bãi đều vi phạm như lấn chiếm sử dụng trái phép lòng sông, bãi sông làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, trung chuyển hàng hóa; sử dụng trái phép hành lang đê để chất tải; xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ, vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều. Ngoài ra, đoàn liên ngành cũng phát hiện các tổ chức, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất hơn 100.000 m2, lấn chiếm hơn 41.000 m2 cùng nhiều vi phạm khác. K ết thúc kiểm tra, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao các ngành liên quan như Tài nguyên và Môi trường, Công an, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và các UBND các huyện, thị, thành… xem xét; đồng thời, báo cáo UBND tỉnh có biện pháp xử lý triệt để tình trạng trên.


Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, sau gần một năm kết thúc thanh tra, kiểm tra, tình trạng vi phạm trong kinh doanh bến bãi, vi phạm đê điều vẫn diễn ra bình thường. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên vi phạm, thậm chí có doanh nghiệp còn chây ì, phớt lờ ý kiến chỉ đạo của các ngành chức năng, chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Mặc dù trước đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, có kết luận sai phạm nhưng việc chấp hành các quy định của nhà nước vẫn không được các cá nhân, doanh nghiệp chấp hành; trong khi đó, việc xử lý của các cơ quan chức năng cũng như “đánh trống bỏ dùi”. Dư luận đang đặt câu hỏi, vì sao các vi phạm của doanh nghiệp vẫn diễn ra phổ biến trong thời gian dài nhưng không được xử lý triệt để.


Hiện, tỉnh Phú Thọ giao các ngành chức năng xem xét, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh bến bãi trên địa bàn tỉnh. Hy vọng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong thời gian tới, tình trạng vi phạm Luật đê điều tại Phú Thọ sẽ được xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp có “truyền thống” vi phạm.

Lâm Đào An