Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 5/5 công bố kết quả khảo sát mới cho thấy khoảng 3,1% cư dân đang sinh sống tại các cơ sở chăm sóc dài hạn (LTCFs) ở châu Âu mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế (HAI) tại thời điểm khảo sát.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, thông tin được đưa ra nhân Ngày Thế giới vệ sinh tay (5/5), nhấn mạnh thực trạng đáng lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong giai đoạn 2023-2024 tại nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho thấy hệ thống phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn tại các LTCFs còn nhiều bất cập. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm khuẩn chưa được kiểm soát triệt để, trong khi việc sử dụng kháng sinh vẫn còn phổ biến và chưa hợp lý.
Các loại nhiễm khuẩn thường gặp nhất là nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp và nhiễm khuẩn da. Trong số các trường hợp nhiễm khuẩn được xác định, vi khuẩn Escherichia coli là tác nhân phổ biến nhất, tiếp theo là virus SARS-CoV-2, vi khuẩn Klebsiella pneumoniae và Staphylococcus aureus. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% các ca nhiễm khuẩn được xác nhận thông qua xét nghiệm vi sinh, cho thấy nguy cơ điều trị không dựa trên chẩn đoán chính xác, dẫn đến việc sử dụng kháng sinh không phù hợp.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy hơn 4% cư dân trong các LTCFs đang được điều trị bằng ít nhất một loại kháng sinh, trong đó gần 1/3 số đơn thuốc được kê với mục đích dự phòng thay vì điều trị bệnh đã xác định. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là nguyên nhân chính dẫn đến cả điều trị và sử dụng kháng sinh dự phòng.
Dù phần lớn các cơ sở chăm sóc dài hạn có triển khai quy trình vệ sinh tay, vẫn còn khoảng 20% chưa có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản về kiểm soát nhiễm khuẩn. Dưới 50% các cơ sở có thành lập ủy ban kiểm soát nhiễm khuẩn, và gần 40% hoàn toàn thiếu các yếu tố cần thiết của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh. Chỉ có chưa đến 10% tổ chức đào tạo định kỳ về kê đơn kháng sinh hợp lý cho nhân viên y tế.
Về thực hành vệ sinh tay, khoảng 80% cơ sở lựa chọn dung dịch sát khuẩn chứa cồn là phương pháp chính. Tuy nhiên, 1/5 số cơ sở vẫn sử dụng nước và xà phòng là biện pháp vệ sinh chủ yếu. Đáng chú ý, gần 1/3 số cơ sở không có hệ thống giám sát thường xuyên và phản hồi kết quả cho nhân viên.
Trước thực trạng đáng lo ngại về tình hình nhiễm khuẩn tại các cơ sở chăm sóc dài hạn, ECDC đã kêu gọi các cơ quan y tế quốc gia và ban quản lý các cơ sở này nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp thiết nhằm tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh một cách hợp lý.
Theo khuyến nghị của ECDC, các quốc gia cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chính, bao gồm: nâng cao năng lực phòng chống nhiễm khuẩn thông qua việc đào tạo nhân lực, tăng cường công tác giám sát, xây dựng hướng dẫn thực hành phù hợp và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng; áp dụng rộng rãi dung dịch sát khuẩn tay chứa cồn như một phương pháp vệ sinh tay chủ đạo; đồng thời cải thiện quy trình kê đơn kháng sinh, đặc biệt là giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh cho mục đích dự phòng không cần thiết.
ECDC nhấn mạnh những hành động này không chỉ mang tính cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc dài hạn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lan rộng của tình trạng kháng thuốc, một trong những thách thức lớn đối với y tế toàn cầu hiện nay.