08:09 18/08/2011

Báo động từ các đường ngang trái phép qua đường sắt

87% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các đường ngang bất hợp pháp-đây là con số thống kê đáng lo ngại cho trật tự an toàn giao thông đường sắt hiện nay.

87% số vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) xảy ra tại các đường ngang bất hợp pháp-đây là con số thống kê đáng lo ngại cho trật tự an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS) hiện nay. Con số này cũng tỷ lệ thuận với gần 4.000 đường ngang dân sinh tự mở qua đường sắt trái phép trên 5 tuyến đường sắt của cả nước. Song, số vụ vi phạm hành lang ATGTĐS vẫn tăng hàng ngày, số đường ngang dân sinh trái phép vẫn được “lén lút” mở thêm, đe dọa mạng sống của nhiều người tham gia giao thông. Thực tế này đáng báo động tới các cơ quan hữu quan!

Vẫn những nguyên nhân cũ

Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra hơn 250 vụ TNGTĐS, làm chết 134 người, bị thương 187 người, tăng về cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng thời gian này năm 2010. Các địa phương xảy ra TNGTĐS nhiều nhất là Hà Nội, Đồng Nai, Hà Nam, Nghệ An... Đáng chú ý là có tới 87% số vụ TNGTĐS xảy ra tại các đường ngang bất hợp pháp, chủ yếu do những nguyên nhân cũ như: Lấn chiếm hành lang ATGTĐS, cố tình vượt rào chắn, chất lượng đường ngang, hàng rào phân cách đường gom và đường sắt còn thấp, đường ngang dân sinh mở trái phép... Những con số, những tồn tại này hiện dường như chưa có cách nào khắc phục.

Cứ đến 10 giờ sáng và 4 giờ chiều, người dân thôn Trù 1, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội) lại tổ chức họp chợ ngay trên đường tàu, khiến giao thông ở đây rất hỗn loạn. Không thể lường được hậu quả khi tàu hỏa ập đến. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Nhìn từ thực tế tuyến đường sắt qua Hà Nội, với gần 200 đường ngang dân sinh mở bất hợp pháp mới thấy thực trạng lấn chiếm hành lang ATGTĐS hiện nay hết sức phức tạp. Đoạn qua khu tập thể Khâm Thiên, phố Lê Duẩn, cổng Bệnh viện Bạch Mai, đoạn qua huyện Thường Tín, Phú Xuyên (QL1A cũ)... bị nhiều công trình, nhà dân, chợ lấn chiếm hành lang ATGTĐS. Tại huyện Thường Tín, dù ngành Đường sắt đã cho lắp đặt hàng rào chắn bằng tôn ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ, để hạn chế đường ngang dân sinh, tuy nhiên nhiều gia đình dọc tuyến đã tự ý tháo bỏ hàng rào chắn phía trước cửa nhà. Các hành vi vi phạm này vẫn chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm, do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng ở cơ sở chưa đồng bộ.

Hà Nội cũng là địa phương có số vụ vi phạm hành lang ATGTĐS cao nhất cả nước, kéo theo nhiều hệ lụy là số vụ TNGTĐS ngày càng gia tăng nghiêm trọng về mức độ và số lượng. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi khi có tàu đến, hàng chục hộ kinh doanh hai bên hành lang đường sắt các đoạn chạy qua Hà Nội, người dân đều nhớn nhác thu dọn hàng quán rồi chạy dạt sang hai bên, chờ sau khi tàu đi qua, họ lục tục bày bán lại hàng hóa lên trên khu vực đường tàu, người mua, kẻ bán lại tấp nập coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Mặc dù chính quyền cơ sở đã nhiều lần xử lý giải tỏa vi phạm, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, vi phạm lại tái diễn. Còn tại Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 11 vụ TNGTĐS, làm chết 15 người. Hiện trường các vụ TNGTĐS là các đường giao nhau giữa đường bộ và đường sắt, không có barie chắn, không có đèn tín hiệu...

Trên 5 tuyến đường sắt chính hiện nay với tổng chiều dài hơn 3.170 km có tới gần 6.000 đường ngang, trong đó chỉ có khoảng 1.500 đường ngang hợp pháp, còn lại hơn 4.000 đường ngang bất hợp pháp. Tại các khu vực này, tình trạng vi phạm hành lang ATGTĐS của người dân sinh sống xung quanh diễn ra hàng ngày, hàng giờ, công tác quản lý đường ngang chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong quản lý xây dựng hành lang ATGTĐS của chính quyền địa phương với ngành Đường sắt. Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 481.000 công trình xây dựng vi phạm hành lang cần phải giải tỏa. Thêm vào đó, Ban ATGTĐS (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cũng thừa nhận một thực tế đáng lưu ý là các vụ TNGTĐS do vượt đường ngang thường không phải những người sống hai bên đường sắt mà lại là người từ nơi khác tới.

Cấp thiết phải lập lại hành lang ATGTĐS

Thực hiện Quyết định 1856/QĐ-CP của Chính phủ, ngành Đường sắt hiện đã xây dựng được 53 km hàng rào chắn ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ; đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp được 260 đường ngang tại các tỉnh, thành phố xảy ra nhiều TNGTĐS nhất là Hà Nội, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Bảo vệ đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang ATGTĐS. Nếu để xảy ra các vi phạm như lấn chiếm, sử dụng trái phép đất trong phạm vi này mà không có biện pháp giải quyết thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật" (Trích Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Trước thực trạng TNGTĐS từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân khách quan tăng cao, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang chỉ đạo toàn đơn vị tập trung triển khai đồng bộ Nghị quyết số 32/CP và Quyết định 1856/QĐ-CP của Chính phủ về lập lại trật tự ATGTĐS, đường bộ, trong đó chú trọng kiểm tra đột xuất vào ban đêm, vào ngày nghỉ cuối tuần, các dịp lễ, Tết để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo đó, các phân ban ATGTĐS phụ trách các khu vực có trách nhiệm thường xuyên duy trì tốt chế độ kiểm tra trạng thái kỹ thuật cầu đường, các đường ngang, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an các địa phương và thanh tra ATGTĐS tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp mở đường ngang trái phép và lấn chiếm hành lang ATGTĐS; đồng thời kiểm tra chéo giữa các đơn vị, nhằm xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị để xảy ra sự cố và TNGTĐS do chủ quan.

Có một thực tế là lực lượng thanh tra chuyên ngành Đường sắt quá mỏng. Trung bình 1 thanh tra viên quản lý tới 50 km đường sắt; thêm vào đó là trang bị kỹ thuật hỗ trợ thiếu, yếu, lạc hậu, chính quyền địa phương bỏ mặc đường sắt cho ngành, thậm chí “bật đèn xanh” cho vi phạm hành lang ATGTĐS. Thế nên, số vụ vi phạm, tái vi phạm hành lang ATGTĐS rất khó bị xóa bỏ, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên thực hiện nhiều đợt cao điểm, vận động, tuyên truyền bảo đảm ATGTĐS.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngành Đường sắt, để hạn chế TNGTĐS, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải lập lại trật tự hành lang ATGTĐS trong quy hoạch. Việc buông lỏng quản lý của các địa phương và chủ đầu tư dự án giao thông đường bộ trong một thời gian dài đã dẫn đến trình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang ATGTĐS một cách nghiêm trọng. TNGTĐS hiện nay chủ yếu do người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ vi phạm luật lệ ATGT gây ra trên đường sắt. Trong bối cảnh ATGT đường bộ còn diễn biến phức tạp như hiện nay, thì ATGTĐS rất khó tiến triển theo chiều hướng tích cực, nếu không nhận được sự quan tâm “vào cuộc” quyết liệt của các địa phương.

>>Ý KIẾN:

Cần có những biện pháp tổng thể


Trưởng Ban ATGT đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) Phạm Văn Bình cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm nghiêm trọng hành lang ATGTĐS, song nhìn tổng thể, giao cắt giữa đường bộ và đường sắt hiện vẫn là giao cắt đồng mức, việc xác định hành lang bảo vệ ATGTĐS chưa được quan tâm toàn diện. Đặc biệt, nhiều địa phương có tuyến đường sắt đi qua không quan tâm đến giải tỏa lấn chiếm vi phạm hành lang ATGTĐS dẫn đến vi phạm kéo dài. Muốn giảm được số vụ TNGTĐS rất cần có những biện pháp tổng thể, xóa đường ngang dân sinh bất hợp pháp, xây dựng đường gom, hàng rào chắn, thực hiện hiệu quả các dự án đảm bảo ATGTĐS, nhất là các dự án thuộc giai đoạn II, III của QĐ 1856/QĐ-CP.

Đề nghị thành lập tổ liên ngành

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: Về lâu dài, Sở GTVT đã đề nghị Bộ GTVT cho thành lập tổ liên ngành bảo đảm ATGTĐS, đường bộ, để phối hợp kịp thời với chính quyền địa phương vận động, thuyết phục người dân xóa các đường ngang tự phát. Đây không phải việc dễ làm, nhưng đó là cách duy nhất để xóa bỏ các điểm đen về ATGTĐS, bảo vệ sự an toàn về tính mạng, tài sản của người dân.

Đừng tự coi thường tính mạng

Chị Nguyễn Thị Lợi, nhân viên gác chắn Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái (đoạn qua xã Cổ Nhuế-huyện Từ Liêm) cho biết: Tuyến đường sắt qua xã Cổ Nhuế thường có hai tuyến tàu chở hàng Bắc Hồng-Văn Điển và Hà Nội-Thái Nguyên, trung bình mỗi ngày có 7-8 chuyến tàu chạy qua. Hiện nay, toàn bộ hành lang khu vực đường sắt đã bị những hộ dân ở đây chiếm dụng để kinh doanh buôn bán, thậm chí có những quán hàng bày ngay bên cạnh đường tàu còn sử dụng mái che... Những hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang ATGTĐS để họp chợ buôn bán của những hộ dân nơi đây không chỉ vi phạm pháp luật mà trên hết, chính bản thân họ đang coi thường tính mạng của mình.

Có nhiều nguyên nhân

Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho biết: Nguyên nhân các vụ TNGTĐS không chỉ do ý thức người tham gia giao thông chủ quan. Sự đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt ở nước ta hiện chưa đúng tầm, không đúng với vai trò quan trọng đặc biệt trong hệ thống giao thông quốc gia, nhất là trên quốc lộ 1A huyết mạch. Thêm vào đó, trong “cuộc chiến” về phòng chống TNGT, ngành đường sắt rất đơn độc.



Nguyễn Tiến